Chốt phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 58 xu lên 76,71 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất trong phiên là 78,73 USD/thùng trước đó. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 41 xu lên 72,15 USD/thùng sau khi đạt mức cao nhất trong ngày là 75,06 USD/thùng.
Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết sản lượng của nước này sẽ giảm từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng Năm xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy. Đây là mức cắt giảm tự nguyện lớn nhất của Saudi Arabia trong nhiều năm qua và nằm trong thỏa thuận rộng lớn hơn của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+). Mục tiêu của kế hoạch là hạn chế nguồn cung vào năm 2024 để đẩy giá lên.
Ông Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho biết khả năng giá dầu cao hơn đã tăng mạnh sau thỏa thuận mới của OPEC+.
OPEC+ sản xuất khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới và đã cắt giảm mục tiêu sản lượng tổng cộng 3,66 triệu thùng/ngày, chiếm 3,6% nhu cầu toàn cầu.
Nhà phân tích Bjarne Schieldrop của công ty dịch vụ tài chính SEB cho biết phản ứng của thị trường vào thứ Hai tương đối bình lặng, sau khi đợt cắt giảm trước đó của OPEC+ không thể hỗ trợ giá trong thời gian dài.
Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy cho biết việc cắt giảm bổ sung của Saudi Arabia có khả năng làm sâu thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, khiến nguồn cung thiếu hơn 3 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy. Điều này có thể đẩy giá dầu lên cao hơn trong những tuần tới.
Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs đánh giá thỏa thuận sản lượng sẽ thúc đẩy thị trường dầu mỏ "tăng vừa phải". Ngân hàng dự báo thỏa thuận có thể đẩy giá dầu Brent giao tháng 12/2023 tăng thêm từ 1 - 6 USD/thùng, tùy thuộc vào thời gian Saudi Arabia duy trì sản lượng ở mức 9 triệu thùng/ngày.