Một trạm bơm xăng ở San Luis Potosi, Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chuyên gia Stephen Innes, thuộc công ty môi giới OANDA tại
Singapore, nhận định rằng giá dầu có thể sẽ được tiếp sức cho tới ít
nhất là ngày 12/5 - hạn chót mà Mỹ đặt ra để sửa đổi thỏa thuận hạt nhân
giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với
Đức), nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận. Việc áp đặt trở lại các biện
pháp trừng phạt đối với Iran có thể sẽ dẫn tới nguồn cung bị thu hẹp, do
Iran là nước sản xuất dầu lớn.
Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ khi số liệu từ Cơ quan Thông tin
năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ đã giảm xuống
trong tuần kết thúc vào ngày 13/4. Trong đó, lượng xăng và các sản phẩm
chưng cất dự trữ giảm mạnh hơn mức dự đoán do nhu cầu tăng mạnh. Còn
lượng dầu thô dự trữ giảm 1,1 triệu thùng do lượng dầu thô nhập khẩu
ròng giảm 1,3 triệu thùng/ngày.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 19/4, giá dầu có thời điểm
chạm các mức cao chưa từng thấy kể từ cuối năm 2014, nhờ nguồn cung dầu
trên thế giới hạ giảm, trong lúc Saudi Arabia tìm cách đẩy giá “vàng
đen” lên cao hơn.
Hai nguồn tin thân cận cho biết theo Ủy ban Kỹ thuật
Chung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước nằm ngoài
khối này, tình trạng dư cung dầu toàn cầu hầu như đã được loại bỏ, một
phần nhờ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu do OPEC dẫn dắt.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 20/4, giá dầu tiếp tục “nhích”
nhẹ và thoát khỏi trạng thái sụt giảm trước đó, khi thị trường phản ứng
với nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội Twitter,
trong đó ông chỉ trích OPEC làm giá dầu thế giới "tăng cao một cách giả
tạo". Phát biểu trên được đưa ra giữa lúc Ủy ban Giám sát chung thuộc
các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC tổ chức một cuộc họp ở Saudi Arabia
ngày 20/4.
Tuy nhiên, James Williams - chuyên gia kinh tế và năng lượng tại
WTRG Economics - nhận định: “Không có khả năng một phát biểu (của ông
Trump) trên trang tweet sẽ làm thay đổi thái độ ứng xử của OPEC. Hầu như
tất cả các thành viên OPEC đều cần giá dầu ở mức cao như thế này hoặc
tăng cao hơn nữa để giup cân bằng ngân sách”.
Trong khi đó, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo nói rằng tổ chức
này không đặt mục tiêu về giá dầu mà chỉ nỗ lực để khôi phục sự ổn định
cho thị trường dầu mỏ.
Kết thúc phiên 20/4, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ
giao tháng 5/2018 tăng 0,09 USD (0,1%) lên 68,38 USD/thùng. Hôm đầu
tuần, giá dầu này chạm mức cao nhất ba năm rưỡi và tính trong cả tuần,
giá dầu WTI tăng 1,5%. Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng
6/2018 tiến 0,28 USD (0,4%) lên 74,06 USD/thùng, mức cao nhất kể từ
tháng 11/2014. Khép lại tuần giao dịch này, giá dầu Brent tăng 2%.
Cùng ngày, công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes công bố báo cáo cho
hay số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần kết thúc vào
ngày 20/4 đã tăng trong tuần thứ ba liên tiếp, lên 820 giàn khoan. Đây
là mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.