Điểm đáng chú ý trong phiên hôm qua phải kể đến mức giảm mạnh hơn 14% của giá khí tự nhiên xuống còn 2.57 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, do tình hình thời tiết mùa đông ấm áp hơn tại khu vực châu Âu kéo theo sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ. Điều này cũng khiến cho chỉ số MXV-Năng lượng giảm mạnh nhất trong các nhóm với mức giảm 1,25%, bất chấp đà tăng phiên thứ 5 liên tiếp của giá dầu. Phần lớn giá nguyên liệu thô trong nhóm kim loại cũng gặp áp lực bán. Mặc dù vậy, dòng tiền đầu tư có sự gia tăng nhẹ, đạt mức hơn 4.300 tỷ đồng.
Lo ngại nguồn cung giúp giá dầu tiếp nối đà tăng
Thị trường dầu thô tiếp tục trải qua biến động mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần, với giá dầu thô WTI tăng 0,98% lên 80,46 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,43% lên 86,20 USD/thùng. Giá cả hai mặt hàng dầu thô đều đang ở mức cao nhất trong gần một tháng.
Sức ép bán xuất hiện ngay từ đầu phiên khi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc. Trong kỳ họp Quốc hội mới đây, các nhà chức trách của nước này đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP là 5%. Đáng chú ý, mức tăng trưởng này khiêm tốn hơn so với kỳ vọng của thị trường. Tin tức này đã làm mờ những kỳ vọng vào việc nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc tăng trưởng và khiến cho giá dầu giảm.
Tuy nhiên, bước sang phiên tối, giá dầu dần lấy lại đà tăng khi một loạt các tin tức tích cực xuất hiện và hỗ trợ cho giá. Tại hội nghị năng lương CERAWeek ở Houston, lãnh đạo của nhiều công ty sản xuất lớn đã có những phát biểu lạc quan cho rằng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ hồi phục vào cuối năm, tuy nhiên, rủi ro nguồn cung vẫn cao do ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) với Nga.
Nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Saudi Arabia đã tiến hành tăng giá bán dầu cho châu Á. Động thái này phản ánh sự lạc quan cũng như kỳ vọng vào việc nhu cầu nhập khẩu của khu châu Á sẽ tăng lên.
Đối với nguồn cung của Nga, khối lượng xuất khẩu dầu của nước này đã giảm 14% trong tuần kết thúc ngày 03/03 về mức 3,1 triệu thùng/ngày. Các nhà phân tích cho rằng mức sụt giảm này xuất phát từ những khó khăn về mặt hậu cần mà không phải do việc cắt giảm sản lượng 500.000 thùng mà Nga đã công bố.
Các tin tức này đã giúp cho thị trường dầu đảo ngược đà giảm và duy trì được sắc xanh phiên thứ năm liên tiếp.
Giá khí tự nhiên lao dốc hơn 14% khi dự báo cho thấy thời tiết sẽ ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm thấp hơn. Đồng thời, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho biết dự trữ khí tự nhiên hiện cao hơn 19% so với mức trung bình 5 năm. Nguồn cung không đáng lo ngại trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp hơn kỳ vọng là yếu tố khiến giá khí tự nhiên giảm. Thị trường khí tự nhiên rất rủi ro bởi giá liên tục biến động rất cực đoan theo các tin tức về thời tiết.
Phần lớn các mặt hàng kim loại gặp sức ép bán
Trái lại với đà phục hồi trên thị trường dầu, đa số các mặt hàng kim loại đều gặp sức ép trong phiên. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc giảm 0,48% xuống 21,13 USD/ounce. Bạch kim ghi nhận mức giảm khiêm tốn hơn, đóng cửa tại 978,6 USD/ounce sau khi giảm 0,08%.
Bộ Thương mại Mỹ vào tối qua công bố dữ liệu số đơn đặt hàng trong tháng 1 giảm 1,6% so với tháng trước. Tuy nhiên, con số này vẫn tích cực hơn mức dự báo giảm 1,8% của các chuyên gia kinh tế. Dữ liệu tích cực hơn dự kiến kéo lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm phục hồi và hạn chế đà giảm của đồng USD, do lo ngại không gian tăng lãi suất sẽ còn rộng mở. Nhóm kim loại quý vốn nhạy cảm với biến động tiền tệ và lợi suất cũng trở nên kém hấp dẫn hơn, thúc đẩy lực bán gia tăng.
Bạch kim giảm nhẹ hơn so với bạc do tình trạng mất điện tại Nam Phi trầm trọng hơn khiến nhiều công ty khai thác cắt giảm công suất và làm thu hẹp nguồn cung. Theo Reuters, công ty điện lực thuộc sở hữu nhà nước của Nam Phi sẽ loại bỏ 4.000 megawatt khỏi lưới điện quốc gia cho đến sáng thứ Ba.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, phần lớn các mặt hàng như đồng, quặng sắt, nhôm đều gặp áp lực sau thông tin quốc gia tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc thiết lập mục tiêu tăng trưởng kinh tế thận trọng khoảng 5% trong năm và không công bố bất kỳ gói kích thích mới lớn nào trong Đại hội Đại biểu Nhân dân đang diễn ra. Sự thiếu vắng thông báo mang tính bước ngoặt để thúc đẩy bất động sản và cơ sở hạ tầng đã làm giảm sự nhiệt tình của các nhà đầu tư kim loại. Giá quặng sắt đã giảm 0.87% xuống 124.3 USD/tấn.
Giá đồng COMEX cũng đã gặp áp lực trong nửa đầu phiên, có thời điểm về gần 4 USD/pound, nhưng sau đó lấy lại đà phục hồi trước một vài lo ngại về nguồn cung. Các cộng đồng địa phương tại quốc gia sản xuất đồng lớn thứ 2 thế giới Peru tiếp tục phong toả một đường cao tốc quan trọng được sử dụng để vận chuyển đồng. Do đó, giá đồng đã xoá bỏ mức giảm, kết phiên trong sắc xanh tại mức giá 4.08 USD/pound sau khi tăng 0.53%.
Thị trường vật liệu xây dựng trong nước hy vọng vào đầu tư công
Trước các biến động nguyên liệu kim loại thô trên thế giới, đặc biệt là đà phục hồi của giá sắt thép từ cuối năm ngoái cho tới nay, các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu xây dựng trong nước cũng sẽ đối diện với nhiều thách thức. Với ngành Vật liệu xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất cơ bản như xi măng, sắt thép... đang trong tình trạng dư cung, đối mặt với những khoản lỗ ròng dẫn đến thu hẹp hoạt động sản xuất. Theo MXV, để ngành này có thể vượt qua khó khăn, đầu tư công và xúc tiến thương mại tại các thị trường mới là động lực giúp các doanh nghiệp này cải thiện năng lực sản xuất.
Năm 2023, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là hơn 711.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022. Ngoài ra, có thêm khoảng 147.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cộng, chi tiêu Chính phủ dự kiến sẽ được mở rộng lên tới hơn 850.000 tỷ đồng dưới hình thức đầu tư công vào năm nay. Đây được kỳ vọng sẽ là điểm sáng hỗ trợ cho nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước.