Trong khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra vào ngày 24/2/2022 ban đầu khiến giá các mặt hàng như dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá tăng vọt, thì hiện tất cả đã quay trở lại hoặc giảm xuống dưới mức trước cuộc xung đột.
Khả năng phục hồi ấn tượng
Chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường giao dịch hàng hóa đã thành công xác định lại hoạt động xuất khẩu dầu thô, các sản phẩm tinh chế và than đá của Nga, cũng như thích ứng với việc mất đi phần lớn nguồn khí đốt tự nhiên từ nước này.
Giá dầu thô Brent tương lai tiêu chuẩn toàn cầu khép lại phiên giao dịch 22/2 ở mức 80,50 USD/thùng, thấp hơn mức 96,84 USD/thùng ghi nhận ngày 23/2 năm ngoái. Giá LNG giao ngay cho khu vực Bắc Á kết thúc tuần trước ở mức 16 USD cho 1 triệu đơn vị nhiệt Anh, giảm từ mức 24,40 USD/1 triệu đơn vị nhiệt Anh trong tuần trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Giá quặng sắt giao ngay, theo số liệu của công ty chuyên về báo giá hàng hóa Argus, đã kết thúc ở mức 130,45 USD/tấn vào ngày 22/2, giảm so với mức 137,30 USD/tấn ghi nhận vào ngày 23/2 năm ngoái.
Giá than nhiệt Australia giao tại Cảng Newcastle đóng cửa tuần trước ở mức 195,13 USD/tấn, giảm so với mức 249,25 USD/tấn của tuần trước khi xung đột bùng phát. Giá giao ngay hàng ngày trên nền tảng giao dịch than toàn cầu GlobalCoal thậm chí còn yếu hơn, kết thúc ở mức 169,91 USD/tấn vào ngày 22/2.
Giá đồng giao dịch tại London (Anh) đóng cửa ở mức 9.137 USD/tấn vào ngày 22/2, giảm so với mức 9.866 USD/tấn của ngày 23/2/2022.
Tất cả các mặt hàng này từng đồng loạt tăng giá sau cuộc xung đột. Trong đó, giá than nhiệt và LNG giao ngay đạt mức cao kỷ lục vì lo ngại xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khi nguồn cung từ Nga bị đe dọa.
Nhưng những lo ngại này tới nay vẫn chưa thành hiện thực, phần lớn là do hàng hóa của Nga đã được định tuyến lại cho những khách hàng mới. Một số quốc gia tiêu thụ nhiều hàng hóa từ Nga (như khí đốt tự nhiên) cũng đã cắt giảm nhập khẩu chúng.
Châu Âu, khu vực phụ thuộc nhiều nhất vào các mặt hàng năng lượng của Nga, đã tìm cách chấm dứt phần lớn sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên vận chuyển bằng đường ống bằng cách chuyển sang sử dụng LNG, cũng như tìm kiếm các giải pháp thay thế cho dầu thô, nhiên liệu và than đá của Nga.
Tuy nhiên, hậu quả từ việc tăng giá hàng hóa ban đầu vẫn còn, với chi phí bán lẻ nhiên liệu và điện ở nhiều quốc gia vẫn cao hơn nhiều so với mức trước cuộc xung đột. Giá năng lượng cao cũng là một yếu tố dẫn đến tình trạng lạm phát hiện nay và việc các ngân hàng trung ương lớn phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
Những biến đổi của thị trường toàn cầu
Nhưng câu hỏi lớn hơn đối với các thị trường hàng hóa là liệu quá trình tái định tuyến xuất khẩu của Nga ra khỏi phương Tây và chuyển chủ yếu sang châu Á hiện đã hoàn tất hay chưa, và liệu quá trình đó đã được định giá đầy đủ chưa?
Không thể phủ nhận rằng việc giá bán ngắn hạn của các mặt hàng chính phần lớn đã tìm lại động lực thúc đẩy từ những yếu tố truyền thống, như triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới đang muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong năm nay.
Sự lạc quan đối với nền kinh tế Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy giá quặng sắt tăng vọt. Giá loại hàng hóa này đã nhảy tới 65% kể từ khi chạm mức thấp nhất năm 2022 là 79 USD/tấn vào ngày 31/10.
Quặng sắt có xu hướng là một trong những mặt hàng đầu tiên phản ứng với sự lạc quan về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Các nhà máy thường tăng dự trữ nguyên liệu thô khi họ gia tăng sản lượng thép trước nhu cầu dự kiến từ các lĩnh vực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc cũng là một trong những bên hưởng lợi chính từ cuộc xung đột ở Ukraine về góc độ hàng hóa. Quốc gia tỷ dân được tiếp cận với nguồn cung dầu thô và than có giá ưu đãi của Nga, đồng thời duy trì khả năng tinh chế dầu thành nhiên liệu và xuất khẩu sang các thị trường châu Á vốn đang thiếu dầu diesel khi châu Âu tìm cách thay thế nguồn cung từ Nga.
Ấn Độ cũng là một nước hưởng lợi khác từ dầu thô và than giá rẻ của Nga. Các quốc gia ở Trung Đông đang bắt đầu nhập khẩu các sản phẩm tinh chế của Nga để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, từ đó cho phép họ xuất khẩu nhiên liệu sản xuất trong nước và bỏ túi phần chênh lệch giữa nguồn cung giá rẻ của Nga và giá hàng hóa toàn cầu cao hơn.
Các quốc gia khác được hưởng lợi từ cuộc xung đột ở Ukraine bao gồm các nhà xuất khẩu hàng hóa như Australia. Nhưng với mức giá phần lớn đang xuống thấp hơn mức trước cuộc xung đột, nhiều khả năng lực đẩy này sẽ bắt đầu nhạt dần trong năm tới.
Cũng cần lưu ý rằng trong những tháng sau khi xảy ra xung đột, nhiều bài bình luận đã được dành cho việc Nga đang hưởng lợi từ giá hàng hóa cao hơn ra sao, hay các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này đã thất bại như thế nào.
Động lực đó hiện đã thay đổi. Mặc dù Nga vẫn có thể xuất khẩu ít nhiều với khối lượng tương tự như trước cuộc xung đột ở Ukraine, giờ đây nước này phải đưa ra các mức chiết khấu lớn và có khả năng doanh thu từ xuất khẩu năng lượng sẽ giảm đáng kể vào năm 2023.