Giá dầu thế giới đi lên ngay trong phiên mở đầu tuần này ngày 30/7, khi có những dấu hiệu cho thấy tình trạng nguồn cung dầu từ các nước sản xuất “vàng đen” ở Trung Đông và Canada đều đang thu hẹp.
Tuy nhiên, dầu đã liên tiếp mất giá trong hai phiên giao dịch liền sau đó, do kết quả một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy tổng sản lượng dầu trong tháng 7/2018 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay là 32,64 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuần trước cho biết sản lượng dầu mỏ của Nga năm nay sẽ đạt 11,02 triệu thùng dầu/ngày, mức cao mới trong vòng 30 năm. Thêm vào đó, báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 3,8 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 27/7, trái ngược với dự báo của thị trường là giảm 2,8 triệu thùng, càng tạo thêm áp lực giảm cho thị trường năng lượng.
Mặc dù giá dầu đã phục hồi trong phiên 2/8, sau khi nhà cung cấp thông tin công nghiệp Genscape thông báo rằng các kho dự trữ dầu thô tại Cushing, trung tâm giao dịch dầu thô lớn nhất ở Mỹ, giảm 1,1 triệu thùng dầu thô kể ngày 27/7, song đà giảm trong phiên cuối tuần ngày 3/8 đã khép lại tuần giao dịch ảm đạm của thị trường dầu mỏ.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2018 trên sàn Nymex (New York) giảm 47 xu Mỹ (tương đương 0,7%) xuống 68,49 USD/thùng. Ngày 1/8, giá dầu này đóng cửa ở mức 67,66 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ ngày 21/6. Tính chung cả tuần qua, dầu WTI giảm 0,3%. Còn tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 10/2018 cũng mất 24 xu Mỹ (tương đương 0,3%) còn 73,21 USD/thùng, khiến giá dầu này giảm 2,1% trong cả tuần qua. Kết quả này đánh dấu tuần giảm thứ tư trong năm tuần qua của giá dầu WTI và dầu Brent.
Kết quả khảo sát của Platts cho thấy, sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia hiện đạt mức 10,63 triệu thùng/ngày, gần mức cao kỷ lục 10,66 triệu thùng/ngày. Xu hướng gia tăng sản lượng của các nhà sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới đã chặn đứng đà tăng của giá dầu, bất chấp báo cáo hàng tuần từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã giảm 2 giàn xuống 859 giàn.
Theo Robbie Fraser, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Schneider Electric, việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran tiếp tục là nguy cơ đối với thị trường toàn cầu. Washington có thể không thể thực hiện được mục đích ngăn chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran do Trung Quốc- nước tiêu thụ dầu lớn nhất của Iran- mới đây đã từ chối đề xuất không nhập khẩu dầu từ Iran của Mỹ.