Tại Mỹ, giá vàng giao ngay có thời điểm rơi xuống 1.210,80 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12/2018 giảm 0,6% xuống đóng phiên ở mức 1.220,10 USD/ounce.
Phiên này, đồng USD đã tăng gần 0,5% so với rổ tiền tệ. Sự mạnh lên của đồng bạc xanh khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác. Giá vàng đã giảm 11% kể từ tháng Tư, trước tiến trình nâng lãi suất tại Mỹ và sự tăng giá của đồng USD do lập luận cho rằng tranh chấp thương mại sẽ gây thiệt hại cho Mỹ ít hơn các quốc gia khác.
Các nhà phân tích của ScotiaMocatta dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trước đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng Chín, nhà phân tích Bernard Dahdah, thuộc Natixis giá vàng có thể giảm xuống dưới 1.200 USD/ounce trước khi Fed công bố quyết định lãi suất vào tháng Chín.
Ngược lại, trong phiên giao dịch ngày 2/8, giá dầu thô thế giới phục hồi với giá dầu thô của Mỹ tăng gần 2%, trong bối cảnh một báo cáo mới đây cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ giảm sau khi bất ngờ tăng trong cuối tuần qua, cùng với đó là các yếu tố quan ngại mới về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chốt phiên giao dịch ngày 2/8 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2018 tăng 1,30 USD (hay 1,9%), lên 68,96 USD/thùng. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 10/2018 cũng tăng 1,06 USD (hay 1,5%), lên 73,45 USD/thùng.
Các nhà đầu tư cho biết rằng giá dầu thô Mỹ tăng mạnh sau khi nhà cung cấp thông tin công nghiệp Genscape thông báo rằng các kho dự trữ dầu thô tại Cushing, trung tâm giao dịch dầu thô lớn nhất ở Mỹ, giảm 1,1 triệu thùng dầu thô kể ngày 27/7.
Trước đó, giá dầu thô thế giới đã giảm sau khi Chính phủ Mỹ thông báo tổng dự trữ dầu thô ở nước này trong tuần trước tăng 3,8 triệu thùng, trong khi kho dự trữ dầu thô tại Cushing giảm 1,3 triệu thùng.
Các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, gồm có Saudi Arabia, Nga, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), đã tăng sản lượng khai thác nhằm bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt từ Iran một khi lệnh trừng phạt nước này của Mỹ có hiệu lực.
Theo thỏa thuận ban đầu được ký kết trước đó giữa các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu bên ngoài OPEC, Nga nhất trí cắt giảm 300.000 thùng/ngày từ mức sản lượng 11,247 triệu thùng dầu/ngày mà Nga đạt được trong tháng 10/2016. Sau đó khi giá dầu tăng, trong cuộc họp ngày 22/6 vừa qua, các nhà sản xuất dầu trong và ngoài OPEC đã quyết định tăng tổng sản lượng của họ 1 thêm triệu thùng/ngày, trong đó Nga "đóng góp" 200.000 thùng/ngày, bắt đầu từ ngày 1/7.