Giá dầu châu Á tăng trong chiều 21/6 do nỗi lo nguồn cung thắt chặt

Giá dầu châu Á đi lên trong chiều 21/6, khi các nhà đầu tư lo ngại về tình hình nguồn cung bị thắt chặt nhiều hơn suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu trong tương lai.

Chú thích ảnh
Đổ xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 81 xu Mỹ (tương đương 0,7%) lên 114,94 USD/thùng lúc 14 giờ 3 phút (giờ Việt Nam) sau khi đã tăng 0,9% vào ngày 20/6. Hai loại dầu tiêu chuẩn này đã lần lượt giảm 7,3% và 9,2% vào tuần trước.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7/2022 sẽ hết hạn sau ngày 21/6 (giờ địa phương) đã tăng 1,63 USD (1,5%) lên 111,19 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giao tháng Tám cũng tiến 1,84 USD lên 109,83 USD/thùng.

Bà Leona Liu, nhà phân tích tại chuyên trang tài chính DailyFX cho biết những lo ngại về nguồn cung có thể sẽ kéo dài trong những tháng tới, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới (nhóm OPEC+) không có đủ công suất dự phòng. Bên cạnh đó, mùa du lịch Hè và việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế liên quan đến phòng dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng hơn nữa.

Chuyên gia này lưu ý mặc dù lo ngại suy thoái ngày càng trở thành một “cơn gió ngược” đối với giá dầu, nhưng một số ước tính rằng thị trường vẫn còn ít nhất nửa năm nữa trước khi suy thoái thực sự xảy ra.

Các nhà phân tích cho rằng giá dầu đã được hỗ trợ bởi tâm lý lo ngại về nguồn cung sau các lệnh trừng phạt áp lên dầu của Nga, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới liên quan tới xung đột tại Ukraine. Câu hỏi về việc sản lượng của Nga có thể giảm như thế nào do các lệnh trừng phạt đối với thiết bị cần thiết cho hoạt động sản xuất dầu cũng khiến nhà đầu tư cẩn trọng.

Nhà phân tích thị trường hàng hóa Madhavi Mehta tại công ty môi giới tài chính Kotak Securities cho biết những lo ngại về nguồn cung khó có thể giảm bớt, trừ khi có một giải pháp cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, hoặc trừ khi nguồn cung từ Mỹ hoặc OPEC tăng mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý những lo ngại về nhu cầu đang lớn dần với việc các ngân hàng trung ương cùng nhiều cơ quan lớn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khi nỗi lo về triển vọng tăng trưởng ngày một rõ hơn, phản ứng của thị trường đối với các số liệu kinh tế có thể mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Và nếu có dấu hiệu tăng trưởng chững lại, giá dầu có thể chịu áp lực.

H.Thủy/TTTXVN (Theo Reuters)
Chứng khoán ngày 21/6: Nhiều nhóm cổ phiếu đồng loạt giảm sàn, khối ngoại mua ròng
Chứng khoán ngày 21/6: Nhiều nhóm cổ phiếu đồng loạt giảm sàn, khối ngoại mua ròng

Áp lực bán tại nhóm cổ phiếu dầu khí, hóa chất, bất động sản, thép, thủy sản khiến nhiều mã cổ phiếu thuộc các nhóm này giảm hết biên độ. Trong khi đó, thị trường không có điểm tựa đủ lớn khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm. Điểm tích cực trong phiên hôm này là khối ngoại mua ròng khá mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN