Khoảng 7 giờ 29 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 24 xu Mỹ (0,3%) lên 85,67 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 25 xu Mỹ (0,3%) lên 80,88 USD/thùng.
Người đứng đầu NS Trading, một đơn vị thuộc Nissan Securities, ông Hiroyuki Kikukawa, cho hay căng thẳng địa chính trị gia tăng, các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng tại Nga và Ukraine tăng lên, cùng với hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn tại Trung Đông giảm xuống đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu. Bên cạnh đó, số lượng giàn khoan tại Mỹ giảm xuống cũng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung thắt chặt.
Trong khi đó, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu của Mỹ giảm 1 giàn xuống 509 giàn trong tuần trước, cho thấy nguồn cung tương lai thấp hơn.
Sáng 25/3, chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Trong phiên giao dịch sáng 25/3, các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều, khi các nhà giao dịch chờ đợi các số liệu kinh tế quan trọng từ Mỹ.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo đã giảm 92,84 điểm (0,23%) xuống 40.795,59 điểm, do hoạt động bán ra của nhà đầu tư.
Chuyên gia Shutaro Yasuda thuộc Viện nghiên cứu Tokai Tokyo nhận định trong bối cảnh giá cổ phiếu Mỹ sụt giảm trong tuần trước, các nhà giao dịch đã tăng cường hoạt động chốt lời tại Tokyo.
Theo công ty dịch vụ tài chính Matsui Securities, đà giảm của đồng yen so với đồng USD cũng có thể thúc đẩy hoạt động bán ra cổ phiếu nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Đầu phiên này, đồng USD giữ ở mức 151,32 yen, so với 151,40 yen/USD tại New York trong phiên cuối tuần trước.
Nguồn tin từ Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 25/3 cho hay có dấu hiệu về khả năng can thiệp vào thị trường tiền tệ, liên quan đến sự mất giá của đồng yen sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất.
Quyết định của BoJ ngày 19/3 về việc chấm dứt chính sách lãi suất âm đã gây ra làn sóng bán tháo đồng yen Nhật Bản. Cựu quan chức ngoại hối hàng đầu Eisuke Sakakibara dự báo Chính phủ Nhật Bản có thể can thiệp nếu đồng yen giảm xuống mức 155 - 160 yen so với đồng USD.
Cùng đà giảm, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 7,53 điểm (0,25%) xuống 3.040,50 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 32,48 điểm (0,20%) lên 16.531,95 điểm, khi các nhà giao dịch chờ đợi Mỹ công bố số liệu về chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân và chỉ số lòng tin tiêu dùng trong tuần này.
Tại thị trường trong nước, sáng 25/3, chỉ số VN-Index tăng 2,67 điểm (0,21%) lên 1.284,47 điểm, HNX-Index tăng 1,93 điểm (0,8%) lên 243,61 điểm./.
Thị trường vàng châu Á trầm lắng khi chờ số liệu lạm phát của Mỹ
Giá vàng ít biến động trong phiên sáng 25/3 tại châu Á, khi các nhà đầu tư chờ số liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố trong tuần để đánh giá liệu số liệu mới có tác động đến kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc hạ lãi suất ba lần trong năm nay hay không.
Giá vàng giao ngay ổn định ở mức 2.163,99 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2%, lên 2.165,2 USD/ounce.
Các nhà đầu tư đang chờ số liệu về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần.
PCE tháng 2/2024 được dự báo tăng 0,3% so với tháng 1/2024 và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong phiên 20/3, giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục, sau khi các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết vẫn dự kiến hạ lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào cuối năm nay, dù lạm phát gần đây vẫn cao.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, trong phát biểu ngày 19/3 nói rằng lạm phát gần đây ở mức cao sẽ không làm thay đổi xu hướng chung là sức ép giá cả tại Mỹ đang hạ nhiệt.
Các nhà giao dịch hiện dự báo có 74% khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6/2024.
Tại Việt Nam, phiên sáng 25/3, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 78 - 80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).