Phiên này, giá dầu Brent giao sau tăng 8 xu (tương đương 0,09%) lên 93,25 USD/thùng vào lúc 16 giờ 33 phút (giờ Việt Nam). Dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng nhích 4 xu (0,05%) lên 87,35 USD/thùng.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết, giá dầu đã ổn định hơn sau một số "yếu tố tích cực" trong báo cáo mới nhất do IEA công bố hôm thứ Tư.
IEA dự kiến một đợt chuyển đổi quy mô lớn từ khí đốt sang dầu, ước tính trung bình đạt 700.000 thùng mỗi ngày vào tháng 10/2022 đến tháng 3/2023 - gấp đôi mức của một năm trước. IEA cũng cho biết, lượng dầu tồn kho toàn cầu đã giảm 25,6 triệu thùng trong tháng Bảy.
Báo cáo trên được đưa ra sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hôm 13/9 cũng công bố dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022 và 2023. Các dấu hiệu cho thấy nhiều nền kinh tế lớn đang hoạt động tốt hơn dự kiến, bất chấp những thách thức như lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vẫn rất khó để OPEC đưa ra động thái tăng giá.
Chuyên gia Stephen Brennock của hãng môi giới đầu tư PVM cho biết, OPEC tiếp tục nhìn nhận nền kinh tế toàn cầu với “cặp kính màu hồng”, bất chấp mối đe dọa suy thoái ở một số nền kinh tế chủ chốt.
Trong báo cáo của mình, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ dừng lại trong quý IV năm nay, khi suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc.
Một báo cáo lạm phát “nóng” hơn dự kiến của Mỹ đã làm tan vỡ hy vọng Fed có thể thu hẹp quy mô các đợt thắt chặt chính sách lãi suất trong những tháng tới. Các quan chức Fed dự kiến sẽ họp vào thứ Ba và thứ Tư tuần tới (20 - 21/9) với trọng tâm là việc lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%.
Áp lực về giá tiếp tục kéo dài, theo sau các đợt hạn chế đi lại nghiêm ngặt để phòng dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Tình huống này đang làm giảm nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới cũng như tác động tới thị trường toàn cầu.