Vào lúc 13 giờ 30 phút, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 1,01 USD (1,1%) xuống 91,83 USD/thùng, sau khi tăng 4,1% trong phiên 9/9. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,13 USD (1,3%) xuống 85,66 USD/thùng, sau khi tăng tới 3,9% trong phiên cuối tuần trước.
Trong năm nay, nhu cầu dầu tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, có thể giảm lần đầu tiên sau hai thập kỷ do chính sách “Không COVID” giữ chân người dân tại nhà trong những ngày lễ sắp tới.
Hàng trăm triệu người Trung Quốc dự kiến sẽ ở nhà trong dịp lễ Tết Trung thu và kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng vào đầu tháng Mười, để tránh các đợt phong tỏa đột ngột nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Chiến lược gia Jun Rong Yeap, tại nền tảng giao dịch trực tuyến IG, có trụ sở tại London, nhận định những "trận gió ngược" từ chính sách kiểm soát dịch COVID-19 và sự giảm tốc của hoạt động kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến đà tăng của giá dầu. Theo chuyên gia này, những nhân tố tiêu cực đang làm lu mờ những nhân tố tích cực và giá dầu Brent có thể giảm xuống 85 USD/thùng.
Bên cạnh đó, triển vọng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể đẩy đồng USD tăng giá và khiến các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh như dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lưu ý giá dầu có thể phục hồi vào cuối năm nay, khi nguồn cung dự kiến sẽ thắt chặt hơn nữa khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12.