Giá dầu Brent giao sau giảm 78 xu Mỹ (tương đương 0,9%) xuống 86,01 USD/thùng sau khi tăng 4,1% vào ngày 9/9.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) ở mức 92,11 USD/thùng, giảm 73 xu Mỹ (0,8%). Trong phiên 9/9 giá dầu này đã tăng tới 3,9%.
Dù tăng mạnh trong phiên cuối, giá dầu hầu như không thay đổi trong tuần trước. Điều này là do mức tăng từ việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn bao gồm Nga (nhóm OPEC+) cắt giảm nguồn cung đã bị các đợt phong tỏa đang diễn ra ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới san bằng.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể giảm lần đầu tiên sau hai thập kỷ trong năm nay, do chính sách “Zero COVID” khiến mọi người ở lại nhà trong các kỳ nghỉ và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa để giải quyết tình trạng lạm phát. Diễn biến đó có thể nâng giá trị của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác, đồng thời khiến giá dầu vốn được định bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, giá dầu toàn cầu có thể phục hồi vào cuối năm nay. Nguồn cung dự kiến sẽ thắt chặt hơn nữa khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12.
Ngoài ra, Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cũng sẽ thực hiện giới hạn giá đối với dầu của Nga để hạn chế doanh thu xuất khẩu dầu của nước này.