Khoảng 8 giờ 15 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 13 xu Mỹ (0,2%) lên 75,30 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 14 xu Mỹ (0,2%) lên 71,38 USD/thùng.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều ghi nhận mức tăng lớn nhất tính theo tuần kể từ cuối tháng 9/2024 trong tuần trước sau khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.
Các nhà phân tích của ANZ nhận xét những diễn biến gần đây cho thấy chiến sự đã bước vào một giai đoạn mới nguy hiểm hơn, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung.
Thêm vào đó, Iran đã phản ứng lại một nghị quyết của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) được thông qua hôm 21/11 khi ra lệnh kích hoạt một số máy ly tâm tiên tiến mới được sử dụng để làm giàu uranium.
Chiến lược gia hàng hóa Vivek Dhar tại Commonwealth Bank of Australia, nhận định sự chỉ trích của IAEA và phản ứng của Iran đã làm tăng khả năng chính quyền ông Donald Trump sẽ tìm cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran khi ông lên nắm quyền.
Ông Dhar cho biết việc thực thi các lệnh trừng phạt có thể làm giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày xuất khẩu dầu của Iran, tương đương khoảng 1% nguồn cung dầu toàn cầu.
Ngày 24/11, Bộ Ngoại giao Iran cho biết sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi với ba cường quốc châu Âu vào ngày 29/11.
Các nhà đầu tư cũng đang tập trung vào nhu cầu dầu thô ngày càng tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã phục hồi trong tháng 11/2024 do giá thấp hơn thúc đẩy nhu cầu dự trữ, trong khi các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đã tăng sản lượng dầu thô thêm 3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 5,04 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2024 nhờ sự thúc đẩy từ hoạt động xuất khẩu nhiên liệu.