Trong phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 10 xu Mỹ, tương đương 0,1%, lên 74,33 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 13 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 70,23 USD/thùng.
Cả hai loại dầu chuẩn phổ biến nhất thế giới đang hướng tới mức tăng 4% cho cả tuần, đạt kỷ lục tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 9/2024. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 21/11, giá của dầu Brent Biển Bắc và dầu WTI đều tăng 2%.
Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia. Nước này cho biết đang sản xuất khoảng 9 triệu thùng dầu mỗi ngày, bất kể những khó khăn do lệnh cấm nhập khẩu mà phương Tây áp dụng làm hạn chế sản lượng và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, nhiều khả năng sẽ duy trì lệnh cắt giảm sản lượng.
Theo một số nguồn tin từ OPEC+, nhóm này có thể một lần nữa trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng tại cuộc họp ngày 1/12 tới do nhu cầu dầu toàn cầu vẫn yếu.
Quy mô sản xuất lớn tại các cường quốc về dầu mỏ, đi kèm với nguồn dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ tăng lên, củng cố cho dự báo dư thừa nguồn cung dầu trong năm 2025.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì quanh ngưỡng 70-85 USD/thùng. Theo lý giải của chuyên gia Daan Struyven, công suất dự phòng cao làm hạn chế đà tăng của giá dầu, nhưng sự điều tiết về giá của OPEC+, đi kèm với nguồn cung dầu đá phiến tạm chững lại sẽ giúp giới hạn khả năng giảm giá dầu.
Tuy nhiên, bất ổn địa chính trị đang có nguy cơ gia tăng. Ukraine đã cảnh báo về khả năng thực hiện hành động quân sự liên quan tới cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các quốc gia Trung Đông dự kiến sẽ chặt chẽ hơn dưới thời chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Vì vậy, trong nửa đầu năm 2025, không loại trừ khả năng giá dầu Brent sẽ vượt qua ngưỡng 85 USD/thùng.
Một số nhà phân tích dự báo tồn kho dầu Mỹ sẽ tăng lên trong tuần tới. Hôm 21/11, Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới - đã công bố các biện pháp chính sách mới để thúc đẩy thương mại, bao gồm hỗ trợ nhập khẩu hàng hóa năng lượng. Động thái này xuất hiện giữa bối cảnh lo ngại về nguy cơ áp thuế quan của ông Trump ngày càng nhiều hơn.