Cụ thể, vào lúc 14 giờ 6 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,16 USD (0,2%) lên 68,13 USD/thùng, sau khi đã vọt lên mức đỉnh của năm nay (68,69 USD/thùng) hồi tuần trước. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giảm 0,03 USD xuống 59,91 USD/thùng, sau khi tăng 1,9% trong phiên trước.
Nhà phân tích cấp cao Jeff Halley, thuộc OANDA tại Singapore, nhận định thị trường dầu mỏ đang cần thêm những tác động mới để định hướng giá. Hiện nay, các nhà giao dịch vẫn đang chờ đợi kết quả của các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Dự kiến, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nối lại đàm phán vào ngày 28/3, giữa những nỗ lực chấm dứt chiến tranh thương mại kéo dài 8 tháng qua.
Thống kê cho thấy giá dầu đã tăng hơn 25% trong năm nay, nhờ kế hoạch cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất khác, cộng với lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào hoạt động xuất khẩu của Venezuela và Iran. Tuy nhiên, mối lo ngại về khả năng kinh tế thế giới tăng chậm lại tác động đến nhu cầu tiêu thụ đã giới hạn bớt đà tăng của giá dầu, khi số liệu về hoạt động chế tạo từ châu Á, châu Âu và Mỹ cho thấy dấu hiệu kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Cuối ngày 26/3, Viện Xăng Dầu Mỹ (API) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 1,9 triệu thùng trong tuần gần nhất. Số liệu chính thức về dự trữ xăng dầu dự kiến sẽ Bộ Năng lượng mỹ (DoE) công bố vào cuối ngày 27/3.