Thông tin kinh tế ảm đạm này cũng đã tác động lên các thị trường tài chính khắp châu Á, trong đó có dầu thô kỳ hạn.
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 14 giờ 36 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc được giao dịch ở mức 62,26 USD/thùng, giảm 48 xu Mỹ (0,8%) so với mức đóng phiên trước đó. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,7% (37 xu Mỹ) xuống 53,43 USD/thùng.
Các nhà hoạch định Trung Quốc ngày 22/1 đã cảnh báo rằng sức ép đi xuống lên nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến thị trường việc làm Trung Quốc trong bối cảnh lượng đơn đặt hàng công nghiệp giảm cho thấy hoạt động giảm sút hơn trong những tháng tới và nhiều việc làm “bốc hơi”. Ngày 21/1, Trung Quốc thông báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 ở mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Nhập khẩu dầu của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trên 10 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2018, dù kinh tế giảm tốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng mức tăng trưởng năng lượng tại nước này đã chạm “đỉnh”, và nhu cầu sẽ giảm dần do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 xuống 3,5%, giảm so với mức 3,7% trong báo cáo triển vọng công bố hồi tháng Mười năm ngoái. Tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ mật thiết với tăng trưởng nhu cầu dầu.
Giá vàng châu Á sát mức thấp nhất trong ba tuần
Giá vàng ổn định trong phiên giao dịch ngày 22/1 tại châu Á, ở gần mức thấp nhất trong ba tuần được ghi nhận trong phiên trước, khi khi đồng USD mạnh đã hạn chế đà tăng giá của kim loại quý đang nhận được sự hỗ trợ từ những lo ngại về đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu này.
Giá vàng giao ngay gần như không đổi, ở mức 1.279,68 USD/ounce vào lúc 14 giờ 33 phút theo giờ Việt Nam, sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 28/12 là 1.276,31 USD/ounce trong phiên 21/1. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giảm 0,3%, xuống 1.279,4 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đo giá trị của đồng tiền nay so với sáu đồng tiền mạnh, phiên này chạm mức cao nhất trong hai tuần.
Nhà phân tích thị trường của IG Markets, Kyle Rodda, cho rằng giá vàng chịu sức ép từ việc đồng bạc xanh lên giá trong ngắn hạn. Theo ông, đồng euro yếu hơn và những lo ngại về tăng trưởng kinh tế ở châu Âu đã kéo đồng USD lên giá, từ đó đẩy giá vàng xuống dưới ngưỡng 1.280 USD/ounce. Nhà phân tích này nhận định, nếu Mỹ công bố thêm các số liệu kinh tế yếu, lãi suất trái phiếu sẽ giảm và hỗ trợ giá vàng. Ông cho biết, về mặt kỹ thuật, giá vàng phải vượt mức 1.300 USD/ounce.
Trong khi đó, việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng là một nguyên nhân khiến đồng USD lên giá. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã chứng kiến tăng trưởng quý IV/2018 giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba thập niên, do nhu cầu trong nước thấp hơn và Mỹ áp thuế cao lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 22/1 do lo ngại về kinh tế toàn cầu sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng quá nhiều đến giá vàng phiên này.
Một phân tích của INTL FCstone cho rằng một số yếu tố đã tạo động lực cho giá vàng trong tháng Một dường như không còn tác động như các phát biểu ủng hộ việc dừng tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và những dấu hiệu rõ ràng hơn về tăng trưởng kinh tế của toàn cầu, mà thay vào đó, thị trường vàng bị mất động lực do đồng USD lên giá và lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng nhẹ.