Giá dầu châu Á giảm phiên chiều 1/8

Giá dầu giảm trên thị trường châu Á trong phiên chiều 1/8, khi số liệu kém khả quan về hoạt động sản xuất trong tháng Bảy của Trung Quốc và Nhật Bản đã đè nặng lên triển vọng nhu cầu, trong khi giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp trong tuần này về việc điều chỉnh nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.

Chú thích ảnh
Một trạm xăng ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào đầu giờ chiều nay theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 82 xu Mỹ, hay 0,8%, xuống 103,15 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,18 USD, hay 1,2%, và được giao dịch ở mức 97,44 USD/thùng.

Các biện pháp phong tỏa mới để phòng dịch COVID-19 đã chặn đứng đà phục hồi ngắn ngủi trong tháng Sáu của hoạt động chế tạo tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit trong lĩnh vực sản xuất đã giảm từ 51,7 điểm trong tháng Sáu xuống 50,4 điểm trong tháng Bảy, thấp hơn nhiều so với dự đoán của giới phân tích.

Chuyên gia Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính và giao dịch hợp đồng chênh lệch CMC Markets (Vuong quốc Anh) cho rằng số liệu gây thất vọng nói trên là yếu tố chính gây áp lực lên giá dầu trong phiên này. Số liệu này thể hiện sự suy giảm đột ngột trong các hoạt động kinh tế, cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ tình trạng phong tỏa trước đó không tích cực như dự đoán, từ đó làm giảm triển vọng nhu cầu của thị trường dầu thô.

Theo số liệu được công bố ngày 1/8, hoạt động sản xuất tại Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất trong 10 tháng qua vào tháng Bảy.

Tuần này, thị trường đang hướng sự chú ý đến cuộc họp ngày 3/8 của OPEC+ để quyết định sản lượng tháng Chín. Theo cuộc khảo sát của hàng tin Reuters, hai trong tám nguồn tin từ OPEC+ cho biết cuộc họp tới sẽ thảo thuận về khả năng tăng nhẹ sản lượng vào tháng Chín, trong khi số còn lại cho biết sản lượng có thể được giữ nguyên.

Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng khi số lượng giàn khoan hoạt động của nước này tăng 11 giản trong tháng Bảy, đánh dấu chuỗi gia tăng dài kỷ lục trong 23 tháng liên tiếp, theo số liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Mỹ). 

Ông Wang Tao, chuyên gia phân tích kỹ thuật của hãng tin Reuters (Anh), dự đoán nếu để “thủng” mức hỗ trợ quan trọng 102,68 USD/thùng, giá dầu Brent có thể giảm về khoảng 99,52-101,26 USD/thùng.

Khánh Ly/TTXVN (Theo Reuters)
Đồng ruble của Nga tiếp tục giảm giá
Đồng ruble của Nga tiếp tục giảm giá

Trong phiên giao dịch sáng 1/8 tại thị trường Moskva, đồng ruble của Nga đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong 3 tuần qua so với đồng USD. Vào lúc 7h29 giờ GMT (14h29 giờ Việt Nam), đồng ruble giảm 1,1%, giao dịch ở mức 62,3 ruble/USD - mức thấp nhất kể từ ngày 7/7. So với đồng euro, đồng ruble giảm tới 1,9% và giao dịch ở mức 63,66 ruble/euro.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN