Mặc dù giá dầu thô cao và thặng dư tài khoản vãng lai lớn trong tuần trước nhưng đồng ruble vẫn mất khoảng 7% giá trị so với "đồng bạc xanh".
Người đứng đầu bộ phận đầu tư tại công ty môi giới Locko Invest, ông Dmitry Polevoy, cho biết đồng ruble suy yếu dần là do kết thúc kỳ tính thuế và cổ tức. Kỳ nộp thuế này - khi mà các doanh nghiệp xuất khẩu thường chuyển đổi nguồn thu ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ trong nước - đã kết thúc vào tuần trước.
Ông Polevoy nhận định thêm rằng có khả năng đồng nội tệ của Nga sẽ sớm giảm xuống mức 63-65 ruble đổi 1 USD.
Trong khi đó, thị trường đang chờ đợi tin tức về việc Chính phủ Nga sẽ sớm điều chỉnh và khôi phục các quy định về ngân sách của nước này vốn đã chuyển doanh thu từ dầu mỏ dư thừa vào quỹ đặc biệt - quỹ được sử dụng trong thời gian thiếu hụt nguồn thu hoặc thâm hụt ngân sách - với một mức giá bán mới ưu đãi. Ngoài ra, giới chức Nga cũng có thể chuyển hướng sang các biện pháp can thiệp tiền tệ nhằm kìm hãm đà tăng giá của đồng ruble.
Trong năm nay, đồng ruble của Nga là đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới do ảnh hưởng từ các biện pháp của chính phủ nước này bảo vệ hệ thống tài chính nội địa trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đồng ruble mạnh khiến giới chức Nga lo ngại vì ảnh hưởng đến thu nhập từ xuất khẩu hàng hóa. Ngân hàng trung ương Nga đã thực hiện 4 đợt giảm lãi suất từ đầu năm đến nay để hỗ trợ đồng nội tệ. Hiện mức lãi suất của Nga là 8%. Động thái này trái ngược với ngân hàng trung ương nhiều nước đang liên tục tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát.