Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 59 xu Mỹ (tương đương 0,8%) xuống 76,48 USD/thùng vào lúc 14 giờ 15 phút (giờ Việt Nam), sau khi tăng 0,5% trước đó vào cùng phiên. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng để mất 42 xu Mỹ (0,6%) xuống 72,25 USD/thùng.
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận về đình chỉ trần nợ của Mỹ vào cuối tuần trước. Song thỏa thuận này vẫn phải được Quốc hội thông qua trước ngày 5/6, ngày mà Bộ Tài chính cho biết nước này sẽ không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình. Nếu thành hiện thực, điều này có thể làm gián đoạn thị trường tài chính Mỹ và tác động tới toàn cầu.
Một số nhà lập pháp cứng rắn của đảng Cộng hòa hôm 29/5 cho biết rằng họ có thể phản đối một thỏa thuận nâng trần nợ ở Mỹ, quốc gia sử dụng dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Tổng thống Biden và nghị sĩ McCarthy vẫn lạc quan rằng thỏa thuận này sẽ “qua cửa” Quốc hội.
Bà Priyanka Sachdeva, nhà phân tích thị trường từ công ty môi giới đầu tư Phillip Nova, cho biết những tuyên bố mâu thuẫn từ các đảng viên Cộng hòa và giới lập pháp đang khiến giới đầu tư dành nhiều sự chú ý tới tình hình này.
Bên cạnh đó, thời hạn chót cho một thỏa thuận nâng trần nợ của Mỹ cũng khá gần với cuộc họp ngày 4/6 của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+). Sự không chắc chắn về việc liệu các nhà sản xuất có đẩy mạnh cắt giảm sản lượng hay không trong bối cảnh giá sụt giảm gần đây cũng đang đè nặng lên thị trường.
Hồi tháng Tư, Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC+ đã bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1,2 triệu thùng mỗi ngày. Quyết định đó đã nâng tổng khối lượng cắt giảm sản lượng của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày, theo tính toán của hãng tin Reuters.
Các nhà phân tích từ công ty môi giới giao dịch Haitong Futures cho biết quyết định cắt giảm sản xuất hồi tháng Tư đó đã khiến thị trường mất cảnh giác. Lần này, các nhà đầu tư sẽ cực kỳ thận trọng trước khi OPEC+ công bố quyết định cuối cùng.