Chiều phiên này, tại thị trường châu Á, giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 1 xu Mỹ, lên 41,08 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc lại hạ 1 xu, xuống 43,30 USSD/thùng.
Các chuyên gia phân tích của PVM cho rằng, giá dầu đã mất đi động lực tăng khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang có xu hướng giảm trở lại. Trong thời gian tới, thị trường dầu mỏ có thể ở trong trạng thái bình ổn để “chờ đợi và quan sát’ những biến động bên ngoài, giữa lúc môi trường bất ổn về kinh tế-xã hội trên toàn cầu có xu hướng gia tăng.
Trung Quốc vừa ra lệnh đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô. Đây là động thái ăn miếng trả miếng mới nhất trong quan hệ giữa hai nước. Bắc Kinh tuyên bố động thái này là "phản ứng cần thiết" đối với Mỹ sau khi nước này yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán tại Houston hồi đầu tuần.
Trong khi đó, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong 22 tháng so với rổ tiền tệ chủ chốt. Đồng USD yếu thường thúc đẩy hoạt động mua vào các mặt hàng vốn được định giá bằng đồng tiền này như dầu mỏ.
Triển vọng kinh tế Mỹ đã trở nền u ám hơn trong tháng qua, khi một số bang của nước này đã áp đặt trở lại các lệnh phong tỏa do số ca nhiễm mới tăng mạnh. Trong khi đó, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng đạt 1,416 triệu người trong tuần trước, cao hơn dự kiến lần đầu tiên trong gần bốn tháng qua, cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bế tắc trước cuộc khủng hoảng COVID-19.
Tại Trung Quốc, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng nhập dầu ở bờ biển phía Đông nước này đang làm tăng thêm chi phí cho các chủ hàng và nhà nhập khẩu, ngay cả khi nhu cầu nhiên liệu chững lại.
Barclays Commodities Research cho biết, giá dầu có thể chứng kiến sự điều chỉnh trong ngắn hạn nếu sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu tiếp tục trì trệ, đặc biệt là tại Mỹ. Tuy nhiên, ngân hàng này hạ dự báo mức dư thừa dầu mỏ năm 2020 xuống mức trung bình 2,5 triệu thùng mỗi ngày, từ mức dự báo trước đó là 3,5 triệu thùng/ngày.