Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 3,2% (tương đương 97 xu Mỹ) xuống 28,97 USD/thùng vào lúc 14 giờ 36 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi đã tăng vọt tới 21% vào phiên 2/4.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 4,1% (khoảng 1,04 USD) xuống 24,28 USD/thùng. Trong phiên 2/4, giá dầu này đã tăng tới 24,7%.
Giá dầu hạ phản ánh tâm lý hoài nghi của thị trường về thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đóng vai trò trung gian cho một thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Saudi Arabia và Nga.
Tổng thống Trump cho biết Saudi Arabia và Nga có thể cắt giảm sản lượng từ 10 - 15 triệu thùng mỗi ngày - một con số chưa từng có và chiếm từ 10 - 15% nguồn cung toàn cầu. Song ông Trump không đưa ra đề nghị cắt giảm sản lượng của phía Mỹ.
Cũng trong ngày 2/4, Saudi Arabia đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất ngoài khối. Quốc gia vùng Vịnh này nói rằng họ cần đạt được một thỏa thuận công bằng để ổn định thị trường dầu mỏ.
Các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho biết họ vẫn hoài nghi về khả năng các nhà sản xuất dầu có thể cam kết cắt giảm sản lượng. Những chuyên gia này dự kiến giá dầu sẽ chịu áp lực trở lại.
Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs nói rằng ngay cả khi đạt được một thỏa thuận, sự phối hợp cần thiết giữa các bên để thực hiện thỏa thuận này sẽ khiến việc thực thi diễn ra “nhỏ giọt”.
Các nhà phân tích cho biết rất khó để Nga và Saudi Arabia đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến giá cả giữa hai bên mà không có sự tham gia của các nhà sản xuất lớn khác. Kể cả khi có một thỏa thuận như vậy, liệu nó có thể được ký kết đủ nhanh và có quy mô đủ lớn để cân bằng thị trường khi kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái sâu sắc do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chuyên gia Helima Croft, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa tại công ty môi giới đầu tư RBC Capital Markets, cho biết, Saudi Arabia có thể giảm sản lượng xuống khoảng 8,5 triệu thùng/ngày. Nhưng nước này sẽ khó giảm thêm xuống dưới mức đó vì Saudi Arabia vẫn muốn duy trì sản xuất khí đồng hành. Trong khi đó, Nga có thể sẽ tìm kiếm một số yêu cầu về nới lỏng các biện pháp trừng phạt từ Washington.