Vào lúc 7 giờ 33 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 29 xu Mỹ, hay 0,3%, xuống 86,52 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 24 xu Mỹ, hay 0,3%, xuống 82,95 USD/thùng.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt đã kéo dài đà tăng trong phiên này, sau khi số liệu cho thấy giá sản xuất tăng tại Mỹ trong tháng Bảy đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ của nước này tăng, bất chấp những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Chuyên gia Tina Teng của công ty CMC Markets dự đoán giá dầu có thể biến động trong biên độ hẹp trong tuần này, dưới sức ép từ đà phục hồi ảm đạm tại Trung Quốc và sự tăng giá của đồng USD, trong khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+, sẽ tìm cách duy trì nguồn cung thắt chặt và ổn định thị trường.
Báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán kế hoạch cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga sẽ làm giảm lượng dầu dự trữ trong thời gian còn lại của năm nay, từ đó có thể đẩy giá dầu lên cao.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích của ngân hàng ANZ nhận định tình hình căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine đã làm tăng khả năng gián đoạn hoạt động thương mại tại Biển Đen, nơi mà khoảng 15-20% lượng dầu xuất khẩu của Nga đi qua.
Tại Mỹ, theo báo cáo của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu hoạt động vẫn ổn định ở mức 525 giàn trong tuần trước, sau khi giảm tám tuần liên tiếp.