Triển vọng phục hồi kinh tế kéo giá dầu châu Á đi lên

Giá dầu châu Á đang trên đà tăng tuần thứ năm liên tiếp, sau khi tâm lý của các nhà giao dịch được cải thiện nhờ dữ liệu kinh tế khả quan ở Mỹ, kỳ vọng Bắc Kinh sớm ban hành các biện pháp kích thích kinh tế và động thái cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+).

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Essen, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch chiều 28/7, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 29 xu Mỹ (tương đương 0,3%), xuống còn 83,95 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 27 xu Mỹ (tương đương 0,3%) xuống 79,82 USD/thùng. Nhưng tính chung cả tuần này, giá của cả hai loại dầu này đều đang hướng tới mức tăng 3,6%, so với tuần trước đó.

Theo các nhà phân tích, báo cáo doanh thu khả quan của hàng loạt doanh nghiệp lớn toàn cầu, cùng với những con số thống kê quý II/2023 cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, đã “xoa dịu” lo ngại về suy thoái toàn cầu, thúc đẩy tâm lý của các thương nhân.

Bộ Thương mại Mỹ, ngày 27/7, công bố dữ liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2023 tăng 2,4%, cao hơn mức dự báo 1,8% mà các chuyên gia đã đưa ra trước đó. Phát biểu sau cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 27/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định rằng nền kinh tế Mỹ có thể đạt được trạng thái “hạ cánh mềm”.

Chiến lược gia thị trường tại Ngân hàng IG ở Singapore, Jun Rong Yeap, phân tích số liệu GDP quý II/2023 của Mỹ và các dữ liệu kinh tế khác đã làm đậm thêm kỳ vọng “hạ cánh mềm” và giúp triển vọng nhu cầu dầu tươi sáng hơn.

Các thị trường cũng đang trông đợi cuộc họp ngày 4/8 của OPEC+, dự kiến sẽ có thông báo về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện tiếp theo.

Chuyên gia Baden Moore của National Bank Australia (NAB) nhận định giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong quý III/2023, với mức giá kỳ vọng duy trì trên 90 USD/thùng. Tại thời điểm đó, ông Moore cho rằng OPEC+ hoặc Saudi Arabia có thể nới lỏng các lệnh giảm sản lượng khai thác tự nguyện.

Nhưng việc một loạt các ngân hàng trung ương lớn toàn cầu vừa tuyên bố tăng lãi suất, để kiềm chế lạm phát dai dằng, đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại về nhu cầu dầu trong dài hạn.

Ngày 26/7, Fed đã công bố tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Một ngày sau đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có động thái tương tự. Chuyên gia Yeap của Ngân hàng IG nói giá dầu có khả năng sẽ phải đối mặt với một số áp lực từ môi trường rủi ro rộng lớn hơn.

Đầu tuần này, giá dầu thế giới đã chứng kiến một phiên giảm, sau khi dữ liệu cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm ít hơn dự kiến. Chủ tịc công ty Ritterbusch and Associates LLC, Jim Ritterbusch, nói chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu về dầu sẽ tăng lên, đặc biệt là đối với các sản phẩm dầu nhiên liệu chưng cất, đã mang lại phần lớn lợi nhuận cho các nhà giao dịch trong tháng qua.

Diệu Linh/TTXVN (Theo Reuters)
Thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đi ngược chiều nhau trong phiên 27/7
Thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đi ngược chiều nhau trong phiên 27/7

Thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đi ngược chiều nhau trong phiên 27/7, trong đó các chỉ số chứng khoán châu Âu đi lên, còn chứng khoán Phố Wall giảm điểm do những lo ngại về lãi suất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN