Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 72 xu, tương đương 0,9% xuống ở mức 82,92 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) chốt phiên ở mức 78,78 USD/thùng, giảm 85 xu tương đương 1,1%.
Với lần tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản này, Fed đã đưa lãi suất lên khoảng 5,25% -5,50%. Đồng thời, ngân hàng trung ương này thông báo về khả năng cho một đợt tăng lãi suất khác.
Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điều này có thể kéo chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Trong khi đó, theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 600.000 thùng trong tuần trước, thấp hơn rất nhiều so với ước tính giảm 2,35 triệu thùng cả thị trường. Ngoài ra, lượng dự trữ xăng và dầu diesel cũng giảm ít hơn dự kiến.
Ông John Kilduff, quản lý cấp cao tại công ty môi giới đầu tư Again Capital LLC nhận định một báo cáo không mấy lạc quan như vậy cộng với việc Fed tăng lãi suất có thể làm giảm nhu cầu lẫn giá cả trên thị trường năng lượng.
Giá dầu đã tăng trong bốn tuần, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu về nguồn cung thắt chặt hơn liên quan đến kế hoạch cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga. Cùng với đó, cam kết của Chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng giúp nâng đỡ thị trường.
Tuy nhiên, một số nguồn thạo tin cho hay Nga dự kiến sẽ tăng đáng kể lượng dầu xuất đi vào tháng Chín tới và chấm dứt việc cắt giảm mạnh xuất khẩu.
Trong khi đó, giới quan sát còn lo ngại rất nhiều về những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế theo cam kết của Trung Quốc - cũng là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.
Giới chuyên gia nhận định thị trường năng lượng thời gian tới sẽ tiếp tục giằng co giữa vấn đề nguồn cung và lo ngại nhu cầu chậm lại do suy thoái kinh tế toàn cầu.