Trong khi nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất dầu chủ chốt cũng như những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela hỗ trợ đà đi lên của giá dầu, những quan ngại rằng tăng trưởng kinh tế yếu đi có thể làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu là yếu tố kéo lùi giá "vàng đen".
Vào lúc 14 giờ 37 phút giờ Việt Nam tại thị trường Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 8 xu Mỹ lên 67,24 USD/thùng, áp sát mức cao trong năm 2019 là 68,14 USD/ thùng đạt được hồi tuần trước. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 9 xu xuống 58,43 USD/thùng, neo gần mức cao từ đầu năm là 58,95 USD/thùng đạt được trong tuần trước.
Bernstein Energy ngày 18/3 cho biết yếu tố lớn nhất gây sức ép lên giá dầu là nhu cầu dầu giảm sút khi kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nhu cầu dầu toàn cầu về cơ bản được dự báo tăng 1,3 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay, mặc dù kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại có thể đẩy mức tăng nhu cầu dầu toàn cầu xuống dưới 1 triệu thùng dầu/ngày.
Giá dầu thô đã tăng khoảng 1/4 từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela, cộng thêm việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất ngoài khối, còn gọi là OPEC+, cam kết cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu. Kế hoạch này được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất là cho tới tháng Sáu tới. Saudi Arabia cuối tuần qua cho hay thị trường dầu mỏ chưa thể cân bằng trong bối cảnh lượng dầu lưu kho ở mức cao.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cuối tuần trước dự báo thị trường dầu mỏ sẽ thiếu hụt đôi chút trong quý II/2019. Yếu tố giữ vai trò quan trọng trong việc cân bằng cung - cầu là sản lượng dầu thô của Mỹ. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2019, đạt mức cao kỷ lục 12,1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 2/2019. Mặc dù sau đó sản lượng dầu của nước này đã giảm trở lại mức 12 triệu thùng dầu/ngày, song chừng đó vẫn giúp Mỹ giữ vị trí nước sản xuất dầu lớn nhất của thế giới.