Xuất khẩu cà phê Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị. Giá xuất khẩu cà phê bình quân giảm mạnh là yếu tố dẫn đến suy giảm xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống như Đức, Hoa Kỳ, Italy, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, gần đây giá cà phê đã có xu hướng tăng nhẹ mặc dù Việt Nam đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhờ giá cà phê thế giới đang có xu hướng nhích lên.
Brazil và Việt Nam hiện là hai quốc gia sản xuất chiếm hơn một nửa lượng cà phê của thế giới, chỉ riêng Brazil đã chiếm 1/3 sản lượng cà phê toàn cầu. Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng cà phê niên vụ 2018 -2019 của Brazil chỉ đạt khoảng 58 triệu bao, giảm 10,5% so với niên vụ 2017-2018.
Viện Địa lý và Thống kê của nước này cũng điều chỉnh giảm sản lượng mùa vụ vừa qua với mức giảm hơn 16,5% so với niên vụ trước. Việc dự báo thiếu hụt nguồn cung của Barazil kéo giá cà phê Arabica (cà phê chè) tăng, nhờ đó cà phê Robusta (cà phê vối) cũng tăng theo.
Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 25/11, lượng cà phê Robusta tồn kho tại sàn London giảm 15.500 bao so với tuần trước đó, xuống còn 2.594.667 bao. Trên sàn giao dịch London, ngày 28/11, giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 3,1% so với ngày 20/11 và tăng 8,2% so với ngày 30/10 lên mức 1.381 USD/tấn. Giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 2,9% so với ngày 20/11 và tăng 8,2% so với ngày 30/10, lên mức 1.402 USD/tấn.
"Ngoài ra, do nhu cầu cà phê hòa tan của một số thị trường mới nổi cũng tăng lên kéo giá cà phê Robusta đi lên. Sản lượng dự báo thiếu hụt trong khi cầu đang tăng khiến cho giá cà phê thế giới tăng, nhưng chỉ tăng ở mức nhẹ. Đây là tín hiệu tích cực với mặt hàng cà phê xuất khẩu trong thời gian tới", ông Kiên nhận định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, giá cà phê giảm do nguồn cung cà phê toàn cầu dư thừa, kết hợp với kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại lan rộng. Giá cà phê năm nay có thời điểm đã xuống thấp nhất trong nhiều năm qua, dưới 1.200 USD/tấn. Điều này dẫn tới, giá cà phê nhân xô tại các vùng nguyên liệu đã xuống dưới mức 30.000 đồng/kg.
Giá cà phê đi xuống đã khiến rất nhiều nông dân trồng cà phê không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trồng cà phê xuất khẩu đều gặp rất nhiều khó khăn và họ đã rất hạn chế đầu tư cho vụ mùa mới. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê đều gặp khó, thấy rủi ro cao, hiệu quả thấp nên giảm số lượng xuất khẩu càng làm cho tình hình xuất khẩu trở lên ảm đạm.
Chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng giá kéo dài, nhiều hộ dân ở Tây Nguyên đã chuyển từ cây cà phê sang trồng các loại cây khác. Bên cạnh đó, khu vực này cũng vừa trải qua đợt lũ lụt, gây ngập úng nhiều diện tích trồng cây cà phê. Do đó, trong niên vụ 2019 - 2020 Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam dự báo, sản lượng giảm khoảng 15% so với niên vụ 2018 - 2019 xuống khoảng 25,5 triệu bao.
Trước tình hình trên, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đã khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cân nhắc tính toán thận trọng trong kinh doanh. Hạn chế bán trừ lùi xa, tăng cường mua bán ngay, chốt giá trước khi giao hàng.
Trong lúc giá xuống thấp cần tránh việc bán ồ ạt cà phê thấp hơn giá thành. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam kiến nghị Chính phủ và ngân hàng giãn nợ cho người nông dân ở vụ cũ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn (lãi suất thấp) tối đa trong 6 tháng để tạm trữ cà phê trong thời gian đầu vụ thu hoạch rộ vào tháng 12/2019.
Đắk Lắk chỉ có 11 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, cà phê Đắk Lắk vẫn tập trung xuất khẩu tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đức, Mỹ… nhưng kim ngạch xuất khẩu đã bị sụt giảm. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho rằng, bên cạnh việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tăng hiệu quả kết nối giao thương với thị trường trong và ngoài nước.
Hiện các sản phẩm cà phê của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu (đứng thứ 2, sau Brazil). Sản phẩm cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ), tạo ra nhiều cơ hội cũng như triển vọng cho ngành cà phê khi Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, để nâng cao giá trị của ngành hàng sản xuất cà phê cần hướng đến khai thác các phân khúc thị trường mới, giàu tiềm năng, đó là thị trường cà phê đặc sản. Cơ quan chức năng cần có đề án, chính sách phát triển cà phê đặc sản toàn diện và dài hạn, tập trung đầu tư cho người sản xuất cà phê tại vùng nguyên liệu, khoa học công nghệ, giống, kỹ thuật canh tác, biến sâu, tiếp cận thị trường…
Qua đó, tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất và tăng giá trị kinh tế của ngành hàng cà phê Việt Nam từ thị trường xuất khẩu đến chuỗi các cửa hàng bán lẻ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê 11 tháng 2019 đạt trên 1,4 triệu tấn với trị giá trên 2,5 tỷ USD, giảm trên 15% về lượng và giảm trên 22% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.