Để đảm bảo cung cầu thị trường, hàng hoá thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng đảm bảo cung cầu thị trường, hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng; kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; đặc biệt là kiểm soát chặt các mặt hàng ảnh hưởng đến an toàn xã hội, hàng tiêu dùng thiết yếu...
Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức làm việc với các đơn vị liên quan, thống nhất triển khai đẩy mạnh hàng hóa về các đại lý, chợ, siêu thị, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của bà con. Các doanh nghiệp hiện đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3-4 lần so với trước.
Là 2 trung tâm mua sắm lớn của người dân Thừa Thiên – Huế, Siêu thị Big C Huế và siêu thị Co-opmart Huế đã lên kế hoạch đặt hàng, tăng lượng dự trữ hàng hóa. Cụ thể, Siêu thị Big C Huế đã đặt lượng hàng tăng 3-5 lần so với ngày thường và dự trữ số lượng lớn nhiều mặt hàng (chủ yếu là gạo, mỳ tôm, rau củ) đồng thời sắp xếp tăng lực lượng nhân viên phục vụ khách hàng, đảm bảo bình ổn giá tất cả các mặt hàng.
Tương tự, Phó Giám đốc Siêu thị Co-opmart Huế Nguyễn Sỹ Tú cho biết, đơn vị đã tăng lượng hàng dự trữ tại kho bằng với lượng dự trữ dịp Tết Nguyên đán 2020. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, lượng khách đặt hàng qua điện thoại tăng 9-10 lần so với ngày thường, nên siêu thị cũng triển khai tăng cường nhân lực thực hiện giao hàng tận nhà miễn phí với các hoá đơn trên 200 ngàn đồng, đảm bảo bà con nhận được hàng trong vòng 90 phút.
Theo báo cáo nhanh từ Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế, đến ngày 8/3, gần 320 tấn gạo còn tồn tại các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh gạo trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, riêng Công ty Trách nhiệm nhiệm hữu hạn Một thành viên Lương thực Thừa Thiên Huế còn hơn 200 tấn; Siêu thị Big C Huế và Siêu thị Co-opmart Huế còn hơn 15 tấn. Dự kiến trong vài ngày nữa, hơn 200 tấn gạo sẽ được nhập bổ sung thêm để tung ra thị trường.
Về mỳ tôm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Hoàng Đạt còn hơn 40 tấn; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thái Đông Anh còn hơn 50 tấn; siêu thị Big C Huế và Siêu thị Co-opmart Huế còn hơn 20.000 thùng. Đối với nông sản, do ùn tắc hàng hoá, không xuất khẩu được và nhiều địa phương chưa bị ảnh hưởng bởi dịch nên các mặt hàng nông sản dễ dàng được tỉnh Thừa Thiên – Huế giao thương trong nước.
Mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn trong tỉnh vẫn đang được cung ứng, phân phối tại 4 địa điểm bao gồm 3 địa điểm tại thành phố Huế và 1 cửa hàng thuộc thị xã Hương Thủy.
Chị Nguyễn Thị Ngân (phường Xuân Phú, Thành phố Huế) chia sẻ, lượng hàng hóa tại các siêu thị vẫn còn rất nhiều, giá cả lại không biến động nên chị chỉ mua sắm theo nhu cầu thường ngày của gia đình.
Chị Ngân chia sẻ, tỉnh vừa phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2, dù có chút lo lắng nhưng chị vẫn trong tâm lý ổn định không tích trữ hàng hóa mà chủ động làm theo hướng dẫn phòng, chống bệnh của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe.
Thị trường mua sắm tại Thừa Thiên – Huế sau một ngày người dân đổ xô đi mua sắm, tích trữ, sức mua trong 2 ngày 8-9/3 đã giảm rõ rệt nhưng vẫn cao hơn so với ngày thường, chủ yếu tập trung vẫn là hai mặt hàng gạo và mì tôm. Riêng ngày 8/3, giảm hơn 60% so với ngày 7/3.
Đảm bảo quyền lợi mua sắm của người dân trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế cũng đã và đang tiến hành đẩy mạnh kiểm tra bán hàng đúng giá, đảm bảo chất lượng; nghiêm túc xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân tự định giá, bán giá cao hơn giá niêm yết.