Đó là thông tin được đưa ra tại báo cáo doanh số thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 7/2017 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố hôm nay ngày 8/8.
Báo cáo bán hàng của VAMA tháng 7/2017. |
Phân tích báo cáo cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam có chiều hướng đi xuống, nếu không muốn nói là sụt giảm nghiêm trọng.
Theo đó, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 20.662 xe, bao gồm 11.195 xe du lịch; 8.489 xe thương mại và 978 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch giảm 21%; xe thương mại giảm 7% và xe chuyên dụng giảm 7% so với tháng trước.
Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 14.779 xe, giảm 14% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 5.883 xe, giảm 17% so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 7/2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 10% trong khi xe nhập khẩu tăng 9% so với cùng kì năm ngoái. Còn tính đến cuối tháng 6/2017, xe ô tô du lịch giảm 2%; xe thương mại giảm 10% và xe chuyên dụng giảm 18% so với cùng kì năm ngoái.
Như vậy, tính đến hết tháng 6/2017, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến giảm 6% so với cùng kì năm ngoái.
Mặc dù thời gian qua, các hãng ô tô đua nhau bung ra các chiêu thức giảm giá xe liên tiếp nhưng vẫn không đem lại hiệu quả. Từ cuối tháng 6, các thương hiệu vẫn tiếp tục giảm giá xe bằng các chương trình ưu đãi, giảm giá xe để thu hút khách hàng. Ví dụ như Thaco đều giảm giá phiên bản Mazda6 dù vừa mới ra mắt trên thị trường hay Toyota hỗ trợ chi phí thuế trước bạ trị giá 30 – 40 triệu đồng khi mua Toyota Corolla Altis, Toyota Vios trong tháng 7 và tháng 8. Các thương hiệu khác như Chevrolet, Mitsubishi, Nissan, vẫn duy trì mức giá ưu đãi như các tháng trước đối với hầu hết các mẫu xe.
Có thể thấy, trước những thông tin về thuế suất trong khu vực về 0% đang tác động không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng, người tiêu dùng có xu hướng chờ đợi giá xe tiếp tục giảm xuống mới mua hàng.