Tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc nơi có cam Xã Đoài đã có nhiều khách hàng tìm về để mua cam. Cam Xã Đoài là loại cam đặc sản, lâu đời và duy nhất có ở nước ta, chỉ thực sự thơm ngon, ngọt khi được trồng ngay tại xã Nghi Diên. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, mỗi quả cam có giá bán bằng 3 - 4 kg bình thường khác. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh Nghệ An tìm mua ngay trên cây.
Giống cam này đang ngày một thoái hóa, cộng với chất đất, khi hậu tại địa phương thay đổi nên cam trở nên khó trồng thành công, kể cả trên đồng đất và tại các vườn nhà ở xã Nghi Diên. Tết Nguyên đán năm nay lượng cung không đáp ứng đủ nhu cầu, trở nên ngày càng khan hiếm.
Tại các huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Phong.., nhiều hộ dân có nghề làm hương trầm nổi tiếng. Phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021, hương trầm tại các địa phương này đang được bày bán nhiều tại thành phố Vinh và trung tâm các huyện trong tỉnh Nghệ An.
Ngoài ra, tại các địa phương trong tỉnh Nghệ An còn có nhiều đặc sản khác, như miến dong, vịt bầu, nước mắm chôn đất, dò me, gà đen, măng rừng… Những "đặc sản" này được coi là những sản phẩm truyền thống phục vụ thị trường Tết Nguyên đán hàng năm, được nhiều khách hàng tìm mua.
Tỉnh Nghệ An khuyến khích các hộ nông dân phát triển các sản phẩm được coi là "đặc sản" riêng có của các địa phương để khai thác tiềm năng đất đai, lao động và đặc trưng riêng có của địa phương. Đơn cử, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân để nhân rộng mô hình nuôi gà đen, vịt bầu.
Với chính sách khuyến khích, tạo điều kiện của tỉnh, Tết Nguyên đán năm 2021 này nhiều hộ dân đã đưa được các sản phẩm "đặc sản" ra thị trường; trong số đó có những sản phẩm đang được mùa, được giá, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân.
*Tại Quảng Trị: Tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo cân đối “cung cầu” hàng hóa, nhằm bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, khi sức mua trong dịp này được dự báo là sẽ tăng từ 12 - 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay sức mua hàng hóa trong các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ truyền thống đang tăng dần nhưng giá cả vẫn không có nhiều biến động. Các mặt hàng thiết yếu được người dân lựa chọn mua nhiều gồm bánh kẹo, hạt dưa, gạo nếp, củ quả.
Chị Võ Thị Linh, 26 tuổi, phường 5, thành phố Đông Hà cho biết: Năm nay người dân mua hàng hóa phục vụ dịp nghỉ Tết Tân Sửu sớm hơn so với những năm trước, do tâm lý đề phòng dịch bệnh COVID-19. Năm nay hàng hóa đa dạng, mẫu mã đẹp và giá cả ổn định không tăng nhiều so với ngày thường.
Điểm khác so với thị trường Tết những năm trước là năm nay các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ truyền thống đều triển khai nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể tại các nơi mua sắm đều để nước sát khuẩn trước cửa ra, vào để khách hàng rửa tay sát khuẩn. Nhân viên của các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống thường xuyên nhắc nhở khách hành đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.
Để bình ổn giá hàng hóa dịp Tết Tân Sửu, ngay từ đầu tháng 12/2020, các siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ đã bắt đầu chuẩn bị lượng lớn hàng hóa cung ứng cho thị trường, với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt, bánh kẹo, nước giải khát. Tỉnh Quảng Trị cũng đã giao cho Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị và Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Thương mại dịch vụ Sài Gòn - Đông Hà dự trữ, bán hàng bình ổn giá dịp Tết với tổng số tiền tạm ứng trên 13,5 tỷ đồng.
Các mặt hàng thiết yếu được bình ổn giá với số lượng lớn như: 300 tấn gạo tẻ, 150 tấn gạo nếp, 1,3 tấn thịt lợn, 21 tấn rau củ quả, 31 tấn trái cây, 16 tấn đường, 14 tấn muối; bánh, mứt, kẹo trị giá trên 3,6 tỷ đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị Nguyễn Hữu Hưng, hàng hóa cung ứng cho thị trường dịp Tết Tân Sửu đảm bảo cân đối cung cầu; qua đó giúp bình ổn giá cả thị trường, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Các mặt hàng thiết yếu bình ổn giá ngoài được bán trong các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ còn được bán lưu động đến khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa để người dân có thể tiếp cận và mua được.