Vàng miếng được bày tại cửa hàng Lotte ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Giá vàng tăng do đồng USD trượt xuống mức thấp nhất trong sáu tuần sau Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bị chi phối bởi lập trường bảo hộ thương mại từ phía chính quyền mới của Mỹ.
Cụ thể, khép lại phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,44% lên 1.233,92 USD/ounce và đã có thời điểm chạm mức 1.235,5 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 6/3. Trong khi đó, giá vàng giao tháng Tư tăng 0,3% và được giao dịch ở mức 1.234 USD/ounce.
Đồng USD có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt là yếu tố chính chi phối giá vàng trong phiên này. Giá vàng đã phục hồi hơn 35 USD từ mức thấp ghi nhận trước khi Fed nâng lãi suất ngày 15/3 vừa rồi, trong khi đồng USD đã giảm 1,7%.
Chuyên gia Phillip Streible của RJO Futures dự đoán Fed sẽ không quá vội vàng trong việc tăng lãi suất do những bất ổn liên quan đến việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và những hoài nghi về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Bên cạnh đó, các quan chức G20 đã phá vỡ truyền thống kéo dài một thập kỷ qua về ủng hộ thương mại mở khi chỉ nhắc chiếu lệ đến thương mại trong bản tuyên bố chung, qua đó để mặc chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng từ phía Mỹ. Động thái này của G20 đã làm giới đầu tư lảng tránh các kênh đầu tư rủi ro và khiến họ tìm đến vàng vốn là tài sản trú ẩn an toàn.
Giá dầu giảm dù OPEC có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượngGiá dầu giảm trong ngày 20/3 tại thị trường New York (Mỹ) bất chấp các thông tin cho hay Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sang nửa cuối năm 2017.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 56 xu Mỹ (1,2%) xuống còn 48,22 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 14 xu Mỹ xuống còn 51,62 USD/thùng.
Giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư (có ý định đầu cơ) có thể tiếp tục giảm mua vào trong bối cảnh các nhà sản xuất dầu Mỹ đang tăng cường hoạt động khai thác, phần nào bù đắp lại những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC. Tuần trước, giới đầu cơ đã giảm hơn 150.000 hợp đồng đặt cược vào khả năng giá dầu Mỹ và Brent ổn định hơn, một mức cao kỷ lục.
Một trạm bơm dầu ở Baku, Azerbaijan. Ảnh: AP/TTXVN |
Trong khi đó, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Inc, số liệu mới nhất của Mỹ đã hỗ trợ ước tính về sản lượng dầu gia tăng, với số giàn khoan dầu hoạt động trong tuần kết thúc vào ngày 17/3 đã tăng 14 lên 631, mức cao nhất kể từ tháng 9/2015.
Sản lượng dầu của Mỹ gia tăng đang tác động tới những lo ngại về sự hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC.
Số liệu chính thức cho hay sản lượng dầu thô của Saudi Arabia giảm khoảng 300.000 thùng/ngày trong tháng 1/2017 song báo cáo của OPEC trong tuần qua cho hay sản lượng đã hồi phục trong tháng 2/2017 đồng nghĩa với việc con số trên kém ý nghĩa.
Triển vọng nguồn cung dầu ngoài OPEC tăng khiến các nhà phân tích của J.P. Morgan đã hạ dự báo giá dầu trong năm 2017 và 2018 xuống còn 55,75 USD/thùng và 55,50 USD/thùng (dầu Brent) và 53,75 USD/thùng và 53,50 USD/thùng (dầu WTI).