Lo ngại về tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu khí của Nga đã khiến đồng ruble mất hơn 15% giá trị trong tháng này.
Chiều phiên này, đồng ruble giảm 1,8% so với đồng USD, xuống mức 72,25 ruble đổi 1 USD, sau khi từng chạm mức 72,3075 ruble/USD trước đó, mức thấp nhất kể từ ngày 29/4.
So với đồng euro, đồng ruble của Nga cũng mất 1,6%, giao dịch ở mức 76,82 ruble/euro, cũng là mức thấp gần 8 tháng và giảm 2% so với đồng NDT của Trung Quốc, xuống mức thấp gần 7 tháng là 10,28 ruble/NDT.
Các nhà phân tích của công ty môi giới đầu tư Veles Capital cho biết, đồng ruble đang tiếp tục "rơi tự do". Nếu đồng ruble không thể duy trì trên các mức tâm lý quan trọng là 70 ruble đổi 1 USD, 75 ruble đổi 1 euro và 10 ruble đổi 1 NDT thì đồng tiền Nga có thể đối mặt với các mức giảm mới.
Tình trạng doanh thu xuất khẩu của Nga giảm trong những tháng gần đây đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn do lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu vào tháng 12, khi mức giá trần dầu mỏ cũng bắt đầu có hiệu lực.
Giá dầu Brent, loại dầu tiêu chuẩn cho xuất khẩu của Nga, tăng 0,3% lên 82,4 USD/thùng.
Các nhà phân tích dự đoán đồng ruble sẽ tăng lên vào tuần tới, khi các khoản thuế cuối tháng, thường khiến các nhà xuất khẩu Nga chuyển đổi doanh thu ngoại hối để thanh toán các khoản nợ trong nước, đến hạn.
Nga đã vay mượn rất nhiều trong quý IV năm nay. Ngày 21/12, Chính phủ nước này đã bán ra một lượng trái phiếu kho bạc (OFZ) trị giá 337,8 tỷ ruble (4,7 tỷ USD). Các ngân hàng Nga đã và đang mua phần lớn trái phiếu Chính phủ, giữa lúc các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài- vốn bị thu hút bởi lợi suất cao của Nga- tiếp cận họ.
Anatoly Popov, Phó chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng Sberbank, cho biết Sberbank có kế hoạch xây dựng bộ đệm thanh khoản bằng cách sử dụng trái phiếu có lãi suất thả nổi. Sberbank hiện đang nắm giữ hơn 3.000 tỷ ruble OFZ.