Vào lúc 8 giờ 16 phút ngày 24/12 (giờ Việt Nam) giá dầu Brent kỳ hạn giảm 27 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống còn 53,55 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent đã chạm mức 52,79 USD/thùng trong ngày 21/12, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn giảm 8 xu Mỹ, tương đương 0,1%, xuống còn 45,51 USD/thùng. Trước đó, giá dầu WTI trong ngày 21/12 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017 (45,13 USD/thùng).
Nguồn cung dầu gia tăng và nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại đã gây sức ép đối giá dầu thô khiến cả hai loại dầu nói trên giảm hơn 35% so với mức đỉnh gần nhất đạt được vào đầu tháng 10/2018. Sản lượng dầu của các nước sản xuất “vàng đen” hàng đầu như Mỹ, Nga và Saudi Arabia đã đạt hoặc áp sát các mức cao kỷ lục.
Để giảm bớt nỗi lo về nguồn cung dư thừa, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài OPEC, trong đó có Nga, đầu tháng 12/2018 đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2019.
Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei ngày 23/12 cho hay nếu nỗ lực trên là chưa đủ để cân bằng thị trường dầu, OPEC và các nước ngoài OPEC sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường để tìm giải pháp khắc phục.
Trong khi đó, theo báo cáo của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 21/12/2018 đã tăng thêm 10 lên 883.
Mỹ đã nổi lên là nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới với sản lượng 11,6 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn cả sản lượng của Saudi Arabia và Nga.