Từ nay đến cuối năm, cơ quan này sẽ có những giải pháp, phối hợp về liều lượng khác nhau tiếp tục điều hành theo định hướng này, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế như kế hoạch đề ra.
Mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả
Quý I/2019, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc, nhiều yếu tố bất định hiện hữu cùng với căng thẳng về thương mại hay tiến trình Brexit... Trên thị trường tài chính, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa qua cũng quyết định không tăng lãi suất trong năm 2019, hay một số ngân hàng trung ương trên thế giới có động thái giảm dần thắt chặt tiền tệ...
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, các diễn biến này và xu hướng của đồng USD trên thế giới không gây áp lực nhiều tới điều hành chính sách tiền tệ. Nhưng ở chiều ngược lại khi tăng trưởng các nền kinh tế lớn trên thế giới giảm, có thể sẽ tác động đối với xuất khẩu, đầu tư vào Việt Nam.
Vì vậy, Phó thống đốc cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những giải pháp, phối hợp về liều lượng khác nhau để đảm bảo mức tăng trưởng đề ra cũng như chỉ tiêu về lạm phát. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng từ đầu năm và sẽ có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết chính sách tiền tệ là chính sách mang tính ngắn hạn, phải phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có những điều chỉnh phù hợp. Do đó, điều hành chính sách tiền tệ quý I/2019 và những tháng còn lại của năm 2019 sẽ có những điểm khác biệt về thời điểm, giải pháp phối hợp, liều lượng...
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát. Điều hành tín dụng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng theo phương châm vẫn là mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả.
“Trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và triển vọng kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong những tháng tới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.
Phó Thống đốc cho biết thêm, năm 2019 cũng là năm Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ nhằm tạo lập cơ sở vững chắc cho thị trường ngoại tệ không bị ảnh hưởng bởi những hoạt động về cho vay ngoại tệ. Thời gian vừa qua, xuyên suốt trong các giải pháp điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn tạo sự khuyến khích lưu giữ VND, hướng tới thu hẹp hoạt động tiền gửi và cho vay ngoại tệ theo đúng chủ trương của Chính phủ chuyển dần quan hệ tiền gửi cho vay sang quan hệ mua bán...
Đặc biệt, 3 tháng đầu năm 2019, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, nhờ đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Theo Phó Thống đốc, điều hành nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản của các tổ chức tín dụng ở mức hợp lý, giúp ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Với vai trò điều hành chính sách tiền tệ, cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành ngân hàng bảo đảm tăng trưởng tín dụng cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch cụ thể, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, phân bổ ngay đến từng ngân hàng thương mại có nhu cầu cấp bách.
Ông Nguyễn Quang Thuấn, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng lưu ý, cần theo dõi và giám sát chặt chẽ biến động trên thị trường bất động sản của từng khu vực trong năm 2019 cũng hư đánh giá nghiêm túc chất lượng và số lượng các khoản tín dụng cho các dự án BOT vay để có sự giám sát dòng tín dụng phù hợp.
Để thực hiện các yêu cầu trên, ngành ngân hàng luôn xuyên suốt điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng; đồng thời theo sát diễn biến tăng trưởng tín dụng tại từng tổ chức tín dụng để định hướng tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên và hạn chế phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Việc điều hành tín dụng cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
Đẩy mạnh xử lý nợ xấu
Nhằm khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tính đến 31/1, ước tính toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 204.400 tỷ đồng nợ xấu, ước đạt trên 40% tổng nợ xấu được xác định (riêng năm 2018 xử lý được 113.400 tỷ đồng).
Theo các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng trưởng xử lý nợ tuy đã được cải thiện nhưng theo như mục tiêu phấn đấu của toàn ngành ngân hàng đến cuối năm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5% thì cần phải có những bước triển khai mạnh mẽ hơn nữa để có thể đạt mục tiêu đề ra.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, Nghị quyết 42 của Quốc hội đã đưa ra một số cơ sở pháp lý để các ngân hàng có thể giải quyết nợ xấu hiệu quả hơn như việc thu hồi tài sản bảo đảm có hay không có sự hợp tác của người đi vay cũng như các cơ quan an ninh, chính quyền địa phương phải hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Nếu việc thu giữ hợp pháp thì tòa án cũng cần theo Nghị định 42 có những thủ tục ngắn gọn để xử lý các vụ kiện liên quan đến thu giữ tài sản bảo đảm.
Để đốc thúc tiến độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ cho VAMC.
Cùng với đó, văn bản cũng yêu cầu các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 nhằm nhận diện đầy đủ thực trạng nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu lớn (bao gồm các khoản nợ xấu đã hạch toán ngoại bảng), tài sản đảm bảo cho các khoản nợ này, khả năng thu hồi; nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ xấu. Trên cơ sở đó, áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước xác định mục tiêu, tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
“Việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững…”, Phó thống đốc nói.