Dịch bệnh bùng phát khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% gặp khó

"Làn sóng" COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, kéo dài khiến mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam là 6,5% đang gặp khó. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Tăng trưởng GDP năm nay có thể quanh ngưỡng 6,1 - 6,3%, hạ so với dự báo trước đó.

Chú thích ảnh
Các ổ dịch COVID-19 gần đây làm dấy lên lo ngại về việc gián đoạn sản xuất trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế bền vững của Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Theo ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn (Ngân hàng HSBC), điều quan trọng Việt Nam phải nhanh chóng ngăn chặn đà lây lan của virus; đồng thời đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc. “Việc phải đóng cửa nhiều khu công nghiệp và giãn cách xã hội kéo dài, chắc chắn đà tăng trưởng trong quý III/2021 nói riêng và nửa sau của năm 2021 sẽ gặp nhiều thách thức. Do đó, cần có những chính sách kịp thời cả về tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân vượt qua những khó khăn này”, lãnh đạo HSBC cho biết. 

Làn sóng COVID-19 đang tiếp tục càn quét các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Kể từ cuối tháng 4/2021, Việt Nam đang phải đối mặt với đợt dịch bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số ca nhiễm tăng nhanh, đặc biệt ở các khu công nghiệp, gây nhiều trở ngại đến hoạt động sản xuất. Nếu như tính đến tháng 4/2021, Việt Nam chỉ ghi nhận khoảng 3.000 ca nhiễm thì tới nay con số này đã vượt 15.000 ca mắc COVID-19. 

Ông Ngô Đăng Khoa cho biết: Mặc dù các dữ liệu vĩ mô chính của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cho thấy xu hướng vẫn tương đối ổn định, nhưng làn sóng dịch bệnh hiện có thể gây ra những áp lực đáng kể đối với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% của Việt Nam năm nay. Các ổ dịch gần đây làm dấy lên lo ngại về việc gián đoạn sản xuất trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế bền vững của Việt Nam. Các Chỉ thị giãn cách của nhiều tỉnh, thành phố nhằm ngăn ngừa dịch bệnh đã dẫn đến sự suy giảm về triển vọng tiêu dùng và sự phục hồi của ngành dịch vụ, du lịch. 

Đặc biệt, biến thể mới của COVID-19 và tốc độ tiêm vaccine chậm sẽ tiếp tục gây trì hoãn việc mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch đại chúng và các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Khối Nghiên cứu HSBC hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống 6,1% (từ 6,6%).

Tuy nhiên, trong dài hạn, động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ do công nghệ dẫn đầu và triển vọng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầy hứa hẹn, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia giàu tiềm năng nhất trong khu vực.  Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ do công nghệ dẫn đầu và triển vọng khối đầu tư nước ngoài (FDI) giúp tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ ở mức 6,8% (từ 6,5%).

Theo IHS Markit - Công ty chuyên thu thập kết quả khảo sát chỉ số Quản lý Thu mua (PMI), làn sóng các ca lây nhiễm COVID-19 mới nhất ở Việt Nam đã khiến các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất suy giảm mạnh trong tháng 6/2021, mạnh nhất trong hơn một năm và từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 6 tháng qua. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đợt bùng phát dịch đầu tiên vào đầu năm 2020, trong khi các công ty đã giảm tương ứng số lượng việc làm và hoạt động mua hàng.

Đề cập tới vấn đề này, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng: Những thách thức trước mắt cùng với diễn biễn dịch bệnh phức tạp khiến tăng trưởng GDP năm 2021 có thể quanh ngưỡng 6,1 - 6,3%. "Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế lạc quan dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7%, nhưng đợt dịch bùng phát lần này đang tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, khả năng đạt được mức 6,5% như mục tiêu Chính phủ đề ra là cực kỳ khó khăn, cố gắng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6% là đã thành công”, ông Cấn Văn Lực  chia sẻ.

Mới đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021. Cụ thể, kịch bản tăng trưởng kinh tế của Bộ xây dựng theo hướng tập trung kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ, duy trì sản xuất kinh doanh trong quý 3/2021, tạo nền tảng để đẩy mạnh tăng trưởng trong quý 4/2021 do nhu cầu thường tăng cao vào thời điểm cuối năm.

Theo đó với kịch bản 1: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý 3/2021 Việt Nam cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý 4/2021 tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm).

Kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý 3/2021 phải đạt mức tăng trưởng 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý 4/2021 tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).

 

Theo HSBC, những động thái từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cùng rủi ro dịch bệnh sẽ khiến tỷ giá USD/VND biến động mạnh trong 6 tháng cuối năm 2021. Do vậy, các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động trong các nghiệp vụ phòng vệ rủi ro, bao gồm rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, thông qua các sản phẩm mà Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhằm đạt mục đích quản trị rủi ro trong kinh doanh.
Minh Phương/Báo Tin tức
GDP 6 tháng năm 2021 tăng 5,64%
GDP 6 tháng năm 2021 tăng 5,64%

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng năm 2021 tăng 5,64% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN