Từ đó, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Trong kết quả chung đó, công tác thanh tra của KTNN có nhiều đóng góp đáng ghi nhận.
Những kết quả đáng ghi nhận
Với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động kiểm toán của các đơn vị trực thuộc, trong những năm qua, Thanh tra KTNN đã nỗ lực không ngừng phấn đấu, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng KTNN, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả thanh tra đã giúp các đơn vị và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN nhìn nhận rõ những hạn chế để khắc phục, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán cũng như công tác quản lý, điều hành của đơn vị.
Kết quả thanh tra đã đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến chế độ chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, soát xét chất lượng kiểm toán; kiến nghị thủ trưởng đơn vị và trưởng đoàn kiểm toán nâng cao năng lực quản lý, chất lượng kiểm toán, chất lượng báo cáo kiểm toán; góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán của KTNN.
Bên cạnh đó, kết quả thanh tra chỉ ra những vấn đề còn hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện kiểm toán và xây dựng, xét duyệt nội dung kiểm toán cũng như phân công, bố trí công việc kiểm toán, đơn vị kiểm toán giữa các tổ kiểm toán; hạn chế, thiếu sót trong việc lập kế hoạch kiểm toán chi tiết, phân công nội dung, bố trí thời gian kiểm toán và soát xét chất lượng việc thực hiện kiểm toán của các kiểm toán viên. Qua thanh tra cũng chỉ rõ và kiến nghị khắc phục những gì còn thiếu sót trong việc thu thập, củng cố kết quả, bằng chứng kiểm toán; ghi nhật ký kiểm toán...
Đặc biệt, công tác thanh tra cũng đã góp phần cùng đơn vị kiểm toán kiến nghị các cơ quan hữu quan ban hành mới, thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hoặc những văn bản, quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.
Song song với tổ chức thực hiện chương trình công tác thanh tra theo kế hoạch đã được Lãnh đạo KTNN phê duyệt, những năm gần đây, công tác thanh tra đột xuất được KTNN chú trọng cả về số lượng và chất lượng, mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Qua công tác thanh tra đột xuất đối với các đoàn kiểm toán, bên cạnh các kiến nghị thông thường, kết quả thanh tra đã đưa ra kiến nghị khắc phục kịp thời các mặt còn hạn chế ngay trong quá trình triển khai kiểm toán, nhất là việc bổ sung các kết quả kiểm toán hợp lý và có kiến nghị phù hợp.
Qua công tác thanh tra, KTNN cũng đã kịp thời phát huy những mặt làm được, chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý điều hành cũng như trong hoạt động kiểm toán. Thông qua việc thực hiện kiến nghị thanh tra đã giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, ý thức chấp hành quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN nói riêng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ của công chức, viên chức và người lao động của KTNN nói chung, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của KTNN.
Nâng cao chất lượng công tác thanh tra
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra đối với hoạt động kiểm toán vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định như: Số lượng đoàn kiểm toán được thực hiện thanh tra hằng năm còn khiêm tốn (chỉ khoảng 10 - 12%) so với số lượng đoàn kiểm toán triển khai; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra còn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến sự phối hợp của đơn vị được thanh tra cũng như các kiểm toán viên đôi khi còn hạn chế
Nhân lực thanh tra còn hạn chế và chưa đồng đều, còn có thanh tra viên chưa kinh qua hoạt động kiểm toán nên việc nắm bắt các vấn đề trong hoạt động kiểm toán còn hạn chế; nhận thức về pháp luật thanh tra và ý thức phối hợp của một số kiểm toán viên cũng như trưởng đoàn kiểm toán còn chưa cao dẫn đến việc triển khai công tác thanh tra đôi lúc còn gặp khó khăn trong hoạt động cung cấp, thu thập hồ sơ, tài liệu, bằng chứng phục vụ thanh tra.
Để thực hiện tốt Chiến lược phát triển KTNN và Kế hoạch kiểm toán trong thời gian tới, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ngành, Thanh tra KTNN cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Tổng KTNN, tăng cường công tác thanh tra cả về số lượng và chất lượng các đoàn thanh tra; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra cho các đơn vị, để các đơn vị được thanh tra hiểu và phối hợp tốt hơn trong quá trình thực hiện hoạt động thanh tra. Bên cạnh đó, đề nghị Tổng KTNN cho phép Thanh tra KTNN trưng dụng thêm một số kiểm toán viên ở các KTNN chuyên ngành, khu vực có trình độ, chuyên môn, tiêu chuẩn đạo đức phù hợp tham gia vào công tác thanh tra; tăng cường hơn nữa chất lượng của các đoàn thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Tổng KTNN.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thanh tra là công tác quan trọng và có tính chất thường xuyên của cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp” và Người cũng nhấn mạnh “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”. Với ý nghĩa như vậy, công tác thanh tra giúp cho lãnh đạo KTNN tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của ngành. Đối với thủ trưởng các đơn vị, Trưởng đoàn kiểm toán cũng như các kiểm toán viên, công tác thanh tra sẽ giúp phát hiện và chỉ ra những việc đã làm đúng, làm tốt để tiếp tục phát huy; những việc làm sai, làm không đầy đủ, làm thiếu trách nhiệm để khắc phục sửa chữa, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động KTNN.