Cuối phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 36,97 điểm, tương đương 0,11%, xuống còn 34.463,69 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp S&P giảm 30,06 điểm, tương đương 0,69%, xuống 4.399,77 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 206,81 điểm, tương đương 1,56%, lên 13.497,59 điểm. Điểm sáng lớn nhất trong phiên giao dịch ngày 21/8 là cổ phiếu của “gã khổng lồ” công nghệ Nvidia, đạt mức tăng lớn nhất trong số các cổ phiếu chất bán dẫn, sau khuyến nghị mua từ ngân hàng HSBC.
Chuyên gia Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty tài chính OANDA, cho biết Phố Wall đang gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định nên mua loại cổ phiếu nào. Hiện các nhà đầu tư đang mong chờ tác động từ việc các công ty tăng sản lượng và các báo cáo thu nhập sẽ được phát hành ngày 23/8 sẽ là “kim chỉ nam” cho việc lựa chọn cổ phiếu.
Tại châu Âu, các thị trường chứng khoán đã phục hồi nhẹ, với chỉ số tổng hợp EURO STOXX 600 tăng 0,9% từ mức thấp nhất trong sáu tuần, ghi nhận vào ngày 18/8.
Chỉ số DAX của thị trường chứng khoán Frankfurt (Đức) tăng 29,02 điểm, tương đương 0,2%, lên 15.603,28 điểm. Chỉ số FTSE 100 trên sàn chứng khoán London (Anh) giảm không đáng kể với 4,61 điểm, tương đương 0,06%, xuống còn 7.257,82 điểm. Chỉ số CAC 40 trên sàn chứng khoán Paris (Pháp) tăng 33,95 điểm, tương đương 0,47%, đạt 7.198,06 điểm.
Lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn trên 10 năm đã liên tục tăng trong những ngày gần đây. Trong ngày 21/8, loại trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã đạt mức lợi tức 4,474%, cao nhất kể từ tháng 4/2011. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt 4,354%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2007. Đáng chú ý là lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ thường di chuyển ngược chiều với diễn biến giá cả.
Chuyên gia Seema Shah, trưởng chiến lược gia toàn cầu của công ty đầu tư Principal Global Investors, nhận định các thị trường bắt đầu lo lắng về các đợt bán tháo trái phiếu có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Ngày 25/8, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ khai mạc hội nghị thường niên Jackson Hole – hội nghị của các ngân hàng trung ương. Các thị trường đang chờ đợi phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà quản lý chính sách khác để xác định về hướng đi của lãi suất trong thời gian tới. Phần lớn các nhà phân tích cho rằng Fed sẽ dừng tăng lãi suất ngay từ tháng Chín, trong khi các nhà giao dịch dự đoán 40% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lần cuối vào tháng 11/2023.
Tại châu Á, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức ngân hàng trung ương) đã cắt giảm lãi suất cho vay một năm và giữ nguyên lãi suất 5 năm trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị mất đà, do những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, chi tiêu yếu và tăng trưởng tín dụng sụt giảm.
Chuyên gia tiền tệ và tài chính Susannah Streeter cho biết việc PBoC đưa ra một gói kích thích nhỏ hơn dự kiến, trong khi nền kinh tế suy yếu, nhiều khả năng không tạo ra được hiệu quả tương ứng với quy mô những thách thức đang nổ ra trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Tuy nhiên ông Streeter nhận định động thái này mang lại cho các nhà đầu tư hy vọng rằng PBoC sẽ tiếp tục hành động mạnh hơn nữa.
Các nhà phân tích cho biết lo ngại về áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ (NDT), vốn đã mất giá gần 6% so với đồng USD tính từ đầu năm 2023 đến nay, có khả năng hạn chế quy mô và phạm vi cắt giảm lãi suất.
Còn tại Việt Nam, khép phiên ngày 21/8, chỉ số VN-Index tăng 1,77 điểm (0,15%) lên 1.179,76 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 2 điểm (0,85%) lên 237,97 điểm.