Giảm điểm chủ yếu do tâm lý và chứng khoán MỹChứng khoán lao dốc ngày 5 và 6/2 khiến nhà đầu tư hoảng loạn. Ảnh minh họa: ĐTCK. |
Luật sư, chuyên gia ngân hàng Bùi Quang Tín cho biết: So với cú giảm sốc hơn 56 điểm với VN-Index hôm 5/2 thì chiều nay, chứng khoán Việt đã có sự nỗ lực hơn. Chốt phiên giao dịch hôm nay (ngày 6/2), sàn HOSE có 45 mã tăng, 262 mã giảm; VN-Index giảm 37,11 điểm (-3,54%), xuống 1.011,6 điểm.
Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 480 triệu đơn vị, giá trị 15.122,12 tỷ đồng, tăng 70,2% về giá trị và tăng 82,1% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 116,1 triệu đơn vị, giá trị 5.695,9 tỷ đồng, đáng kể là có 94,5 triệu cổ phiếu VRE ở mức giá sàn, giá trị 4.512 tỷ đồng. Nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đã có một số cổ phiếu cố gắng bứt phá như VIC, HPG, NVL, MSN khi không còn sắc đỏ khi chốt phiên. Cổ phiếu vừa bị loại ra khỏi VN30 là KBC cũng có thanh khoản rất sôi động với hơn 6,8 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng 2,4% lên 12.900 đồng/cổ phiếu.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường thì tình hình vẫn khá xấu, khi hầu như không mã nào tăng điểm khi kết phiên, mặc dù có một số ít mã đã thoát mức giá sàn như HQC, SCR, ITA, DIG, DXG, OGC, FIT… còn lại thẳng tiến mức giá sàn như HAG, FLC (2 mã này khớp từ 13 đến hơn 15 triệu đơn vị), cùng HNG, DLG, ASM, HAI, IDI, AMD…khớp lệnh từ hơn 2 triệu đến 3,5 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã hãm bớt được đà giảm, nhưng sự phục hồi của VGC, CEO, SHN, NVB đã không thể bù đắp hết cho những mất mát ở nhóm cổ phiếu chi phối lớn như PVS, SHB, ACB, SHS, VCG, HUT.
Chốt phiên này, HNX-Index giảm 3,21 điểm (-2,78%), xuống 115,64 điểm. Tổng khối lượng giao địch đạt hơn 116,52 triệu đơn vị, giá trị 1.657,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,4 triệu đơn vị, giá trị 123 tỷ đồng.
Theo ông Tín, chứng khoán trong nước sụt giảm là do chứng khoán Mỹ và trên toàn cầu. Ngày 5/2, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm gần 1.600 điểm, mức giảm điểm trong ngày lớn nhất trong lịch sử, tương đương 6%, trước khi chốt phiên ở mức 1.175,21 điểm, tương đương giảm 4,6% - mức cao nhất kể từ tháng 8/2011. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên giảm điểm mạnh nhất trong ngày trong 6 năm qua, sau khi giới đầu tư quyết định bán tháo kiếm lời do lợi tức trái phiếu tăng mạnh trong tuần qua cũng như giá trị cổ phiếu tăng lên mức kỉ lục hồi tháng trước. “Nguyên nhân tiếp theo là do yếu tố tâm lý hoang mang của nhà đầu tư dẫn đến tình trạng bán tháo cổ phiếu, đặc biệt là thời điểm gần Tết để bán ra chốt lời”, ông Tín nói.
Chuyên gia ngân hàng- TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay: Chứng khoán Mỹ lao dốc tuần vừa rồi bởi tâm lý lo ngại về áp lực lạm phát gia tăng sau khi Mỹ công bố các dữ liệu việc làm và tiền lương. Điều này đã nâng cao khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong năm 2018.
“Tại thị trường trong nước, do trong thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, áp lực chốt lời tuy là điều đã được dự báo từ trước song do thị trường đã tăng rất nóng từ đầu năm tới nay, cộng với sự phân hóa mạnh ở hầu hết các nhóm ngành đã khiến áp lực chốt lời ngắn hạn càng diễn ra trên diện rộng và sâu”, ông Hiếu nói.
Nhà đầu tư cần bình tĩnh, không bán tháo cổ phiếu tốt
Theo dự báo của Công ty chứng khoán BSC, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh trong những phiên sắp tới khi tâm lý chung các nhà đầu tư còn hoang mang. Bên cạnh tâm lý gần Tết bán mạnh như các năm trước, nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi thông tin sẽ điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ lên 60% vào ngày 1/3/2018 thay vì 50% như hiện tại.
BSC khuyến cáo, nhà đầu tư nên giữ tỷ lệ tiền mặt cao trong khoảng thời gian sát Tết và chỉ tham gia thị trường khi những dấu hiệu hồi phục rõ nét, hạn chế bắt đáy trong thời điểm nhạy cảm. Nhà đầu tư ngắn hạn thận trọng với hoạt động “bắt đáy”.
Một số chuyên gia chứng khoán cho hay, việc Ủy ban chứng khoán (UBCK) dự kiến tăng tỷ lệ ký quỹ margin từ 50% lên 60% đã góp phần khiến chứng khoán Việt Nam rơi tự do, sụt giảm mạnh. Đây là động thái giúp 'hạ nhiệt' thị trường của UBCK, có thể xuất hiện lực bán ở những mã có tỷ lệ ký quỹ hiện là 50% và khiến thị trường lập đỉnh ngắn hạn.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia chứng khoán ngân hàng SHB- ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng: Lúc này, các nhà đầu tư nên quan sát và cân nhắc khi đưa ra quyết định. Dự kiến Mỹ sẽ nâng lợi suất trái phiếu Chính phủ khiến dòng tiền rút ra cổ phiếu. Lợi suất và chỉ số chứng khoán luôn ngược chiều nhau. Tại Việt Nam, tâm lý cận Tết và sự hoang mang của nhà đầu tư trước thông tin margin khiến dòng tiền ảnh hưởng, dẫn đến áp lực chốt lời.
“Việc chứng khoán Việt Nam sụt giảm vừa qua cho thấy, chứng khoán Việt đang lệ thuộc quá nhiều khối ngoại. Trong khi đó nền kinh tế trong nước, chỉ số vĩ mô vẫn tương đối tốt, tăng trưởng và kiểm soát lạm phát thành công trong năm 2017, các chỉ số tăng trưởng tháng đầu năm 2018 khá ổn định. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, chứng khoán Việt Nam còn non trẻ. Khi chứng khoán tăng mạnh năm 2017, tôi đã từng cảnh báo nhiều bởi ẩn chứa nhiều rủi ro. Mức tăng vẫn dừng nhiều ở thị trường thứ cấp chứ không phải sơ cấp”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, nhà đầu tư cần bình tĩnh, nếu càng hoảng loạn sẽ càng có quyết định sai lầm. Với cổ phiếu tốt thì nên chờ đợi, không nên bán tháo. Đối với những cổ phiếu yếu thì cần có quyết định nhanh chóng. Phía UBCK cần đưa ra nhận định tình hình khách quan, không làm “nhẹ nhàng” vấn đề; đồng thời cần có thông tin chính xác để giúp nhà đầu tư có quyết định sáng suốt.