VEAM sẽ thoái vốn, niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm 2018

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) đặt mục tiêu thoái vốn Nhà nước, niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm 2018, đảm bảo tăng trưởng tốt hơn sau cổ phần hóa.

Theo ông Ngô Văn Tuyển, Phó Tổng giám đốc VEAM, năm 2017 mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, song tổng doanh thu vẫn đạt 2.813 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch năm và bằng 96% so với năm 2016.

Lý giải việc mặc dù hoàn thành tốt mục tiêu lợi nhuận, nhưng không đạt được mục tiêu doanh thu sản xuất công nghiệp, ông Tuyển cho biết là do năm 2017, Nhà máy ô tô VEAM – đơn vị chủ lực của VEAM phải điều chỉnh kế hoạch, không có sự tăng trưởng doanh thu so với năm 2016, dẫn đến công ty mẹ cũng không đạt được mức tăng trưởng như năm trước.

Lợi nhuận tính riêng của Nhà máy ô tô VEAM năm 2017 chỉ đạt 42 tỷ đồng, chưa tính kết quả trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (tồn kho tương đương 5.398 xe, trong đó có một lượng lớn tồn kho theo kế hoạch tiêu thụ năm 2018 và 115 bộ linh kiện xe Euro 4).

Nhà máy sản xuất ô tô VEAM. Ảnh: VEAM

Tuy vậy, các công ty con của VEAM như: Công ty Cơ khí Phổ Yên (FOMECO), Công ty Cổ phần Phụ tùng máy số 1 (FUTU1)… đều đạt doanh thu tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước và đã khẳng định được uy tín, thương hiệu tại thị trường nội địa và xuất khẩu được sản phẩm sang các thị trường nước ngoài mới như: Nhật Bản, Indonesia, Malaysia...

Triển khai nhiệm vụ năm 2018, ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch HĐQT VEAM cho biết, năm 2018 được coi là năm bản lề, VEAM đã bước đầu ổn định với mô hình hoạt động của công ty cổ phần, vì vậy sẽ tập trung vào nhiệm vụ thoái vốn Nhà nước, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu này, theo ông Bùi Quang Chuyện, VEAM sẽ sắp xếp lại các công ty con thông qua 3 hình thức: Thoái vốn, tăng cường giám sát đặc biệt và sáp nhập, giải thể.

“Năm 2018, VEAM sẽ không để kéo dài một số đơn vị trong tình trạng “dậm chân tại chỗ”. Các công ty trước đây chỉ sản xuất máy nông nghiệp, bây giờ phải mở rộng, liên kết, chế tạo, gia công thêm các sản phẩm chi tiết khác phục vụ cho các nhà máy sản xuất xe máy, ô tô, máy nông nghiệp của VEAM và tìm kiếm thị trường tiêu thụ để đảm bảo lợi nhuận”, ông Chuyện khẳng định.

Trên cơ sở đó, VEAM kỳ vọng sau cổ phần hóa, niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới, giúp VEAM tăng năng lực tài chính, cũng như năng lực về quản trị và hàm lượng công nghệ sẽ hiện đại hơn, đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn.

"Năm 2018, Nhà máy ô tô VEAM phấn đấu tiêu thụ 5.668 xe ô tô tải và xe chuyên dụng các loại; tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời những mẫu xe mới mang thương hiệu VEAM Motor, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, VEAM Motor đã khẳng định được vị thế cạnh tranh trên thị trường xe thương mại nội địa”, ông Trần Hồng Hà, Tổng Giám đốc VEAM cho biết.

Tiến Hiếu/Báo Tin tức
SVEAM đưa máy nông nghiệp Việt ra thế giới
SVEAM đưa máy nông nghiệp Việt ra thế giới

Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM) cho biết, thời gian tới, công ty sẽ tập trung vào việc nâng cao đẳng cấp chất lượng để tiến tới đưa máy nông nghiệp thương hiệu Việt ra thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN