Thị trường giảm rất mạnh vào phiên thứ 5, VN – Index mất tới hơn 24 điểm, nhưng ngay ngày hôm sau, thị trường hồi sinh mạnh mẽ, nhiều mã còn tăng trần giúp VN – Index lấy lại 14 điểm. Tâm lý tích cực của giới đầu tư từ phiên giao dịch cuối tuần có thể được duy trì cho đến tuần sau. Nếu thị trường không chịu ảnh hưởng của phiên thứ 5 thì có lẽ các chỉ số sẽ tục tăng trưởng.
Thực tế, kết thúc tuần giao dịch từ 25/2 đến 1/3, VN - Index chỉ giảm nhẹ 9,28 điểm xuống 979,63, trong khi HNX - Index tăng nhẹ 0,443 điểm lên 107,26 điểm.
Nhà đầu tư vẫn giao dịch rất sôi động, đạt khoảng hơn 5.400 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. Thanh khoản gia tăng cũng được đánh giá là yếu tố tích cực nâng đỡ thị trường trong tuần tới.
Diễn biến giao dịch cho thấy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm; trong đó, những cổ phiếu vốn hóa đứng đầu thị trường như VIC giảm 1,6%, VHM giảm giảm 2%, VRE giảm 2,6%.
Bên cạnh đó, những mã cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngành thực phẩm - đồ uống cũng giảm rất sâu như: VNM giảm tới 5%, SAB giảm 2%. Cổ phiếu ngành hàng không là VJC cũng giảm 1,1%.
Khối lượng giao dịch các mã cổ phiếu vốn hóa lớn tăng cao vào phiên giảm điểm (phiên giao dịch ngày 28/2) và giảm mạnh vào phiên tăng điểm (phiên cuối tuần 1/3). Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sự điều chỉnh tích lũy của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần tới.
Nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội cho rằng, các cổ phiếu lớn đã tăng mạnh trong thời gian qua và cần sự điều chỉnh để hạ nhiệt là việc cần thiết của thị trường. Việc lấp thành công gap down (khoảng trống giảm giá 970 - 980 điểm) cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy việc thị trường có thể vươn tới những ngưỡng kháng cự cao hơn.
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng đồng loạt giảm giá cũng tạo sức ép lớn lên chỉ số VN – Index vì đây là nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trên thị trường. Những mã giảm sâu trong nhóm này là TCB giảm 4%, BID (3,4%), VPB (2,1%), ACB (1,6%), CTG (1,4%).
Khối lượng giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tăng mạnh vào phiên thị trường giảm điểm và giảm vào phiên thị trường tăng điểm. Có lẽ nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng cần thêm thời gian tích lũy điều chỉnh trước khi tăng trở lại.
Nhóm cổ phiếu tích cực nhất trong tuần qua là nhóm dầu khí. Cụ thể, GAS tăng nhẹ 0,7%, PLX tăng 0,3%, POW và PVS đều tăng 4%. Xu hướng giao dịch tích cực đang diễn ra tại nhóm cổ phiếu dầu khí có thể tiếp tục kéo dài đến tuần sau.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên cũng là yếu tố nâng đỡ cho thị trường trong tuần sau. Cụ thể, khép lại phiên cuối tuần (1/3), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,43% lên 26.026,32 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,69% lên 2.803,69 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,83% lên 7.595,35 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 0,4%, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,02%. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,9%, đồng thời ghi dấu chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ cuối năm 1999.
Theo các chuyên gia, tâm lý lạc quan của giới đầu tư về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 28/2 cho biết, Mỹ đã tạm ngừng kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi Tổng thống Trump đưa ra quyết định gia hạn nhằm tạo thêm thời gian tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Ngày 1/3 Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đã yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng dỡ bỏ tất cả các loại thế đối với nông sản của Mỹ bởi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước đang tiến triển tốt.
Như vậy, các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ cho thị trường. Tuy nhiên, tuần tới thị trường cũng phải đối diện với những yếu tố tiêu cực đến từ diễn biến nội tại. Theo đó, yếu tố có ảnh hưởng lớn, cản trở đà hồi phục của thị trường là việc khối ngoại đã bán ròng hàng nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu với giá trị lên tới gần 1.200 tỷ đồng trong tuần cuối cùng của tháng 2.
Trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng 10,03 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng đạt 349,64 tỷ đồng. Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 40,68 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng lên tới 867,78 tỷ đồng. Trên thị trường UPCOM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 5 phiên liên tiếp với 103.900 đơn vị cổ phiếu, tổng giá trị mua ròng đạt 34,02 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, diễn biến giao dịch trong thời gian qua cho thấy, thị trường gặp kháng cự mạnh quanh vùng 1.000 điểm. Hơn nữa, nếu tuần tới bất ngờ có thông tin xấu thì nhà đầu tư có thể sẵn sàng giải ngân để chốt lời.
Như vậy, tuần tới thị trường có cả những tin tích cực hỗ trợ và cũng có các yếu tố có thể cản trở đà hồi phục.
Nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần chứng khoán SHS dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (4/3-8/3), VN-Index có thể tiếp tục những nhịp giằng co và rung lắc trong biên độ 960 - 1.000 điểm.
SHS cho rằng, VN - Index cần sự bứt phá ra khỏi vùng này để thị trường xác nhận một xu hướng ngắn hạn mới.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt nêu quan điểm, thị trường đã hồi phục vào phiên cuối tuần, nhưng chưa thể loại trừ khả năng tiếp tục điều chỉnh. Nhà đầu tư nên giữ tâm lý thận trọng và chú ý đến việc quản trị rủi ro đối với danh mục đầu tư.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, trong ngắn hạn xu hướng tăng vẫn được bảo toàn với mục tiêu là ngưỡng 1.000 điểm.
KIS khuyến nghị, VN - Index vẫn đang trong xu hướng tăng mặc cho nhịp điều chỉnh trong tuần khi giá duy trì trên vùng hỗ trợ 960 - 970 điểm. Nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ danh mục cổ phiếu và có thể canh chốt một phần danh mục khi chỉ số tiến về vùng 1.000 điểm.