Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 445,41 điểm (tương đương 1,9%) xuống 23.504,35 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 2,2% xuống còn 2.783,56 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 1,4% xuống còn 8.393,18 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 122,56 điểm (1,44%), xuống 8.393,18 điểm. Cả Dow Johns và S&P 500 đều ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 1/4.
Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 15/4, doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 3/2020 đã giảm kỷ lục 8,7%, đánh dấu tháng sụt giảm mạnh nhất kể từ khi bộ này bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1992.
Các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc và các nhà bán lẻ hàng hóa thiết yếu đã chứng kiến mức cầu nhảy vọt trong tháng 3 trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, doanh số bán hàng ở nhiều ngành kinh doanh khác - như trạm xăng, đại lý ô tô và nhà hàng - lao dốc khi chính quyền các bang đóng cửa thương mại để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đại dịch COVID-19 có thể khiến nền kinh tế thế giới năm 2020 chứng kiến năm tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930, với mức suy giảm 3%.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm hơn 3%, do những quan ngại dai dẳng về tác động kinh tế của đại dịch COVID-19. Kết thúc phiên này, chỉ số FTSE 100 của Anh hạ 3,3%, xuống 5.597,65 điểm. Tại thị trường Paris của Pháp, chỉ số CAC 40 mất 3,8%, xuống 4.353,72 điểm. Còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 lùi 3,9%, đóng cửa ở mức 10.279,76 điểm.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiếp tục giảm - xuống mức thấp nhất trong 18 năm, trong khi giá dầu Brent giảm hơn 6% trong phiên giao dịch ngày 15/4, sau khi Mỹ công bố báo cáo dự trữ dầu hằng tuần của nước này tăng mức kỷ lục, trong khi nhu cầu toàn cầu giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Giá dầu Brent ở mức 27,69 USD/thùng, giảm 1,91 USD (6,45%), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) ở mức 19,87 USD/thùng, giảm 24 xu Mỹ (1,19%). Giá dầu WTI lúc đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu tại quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới này đã tăng 19 triệu thùng trong tuần trước, trong khi các cơ sở lọc dầu giảm công suất xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 do nhu cầu giảm mạnh.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ giảm kỷ lục 9,3 triệu thùng/ ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 14/4, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Thái tử Abdelaziz ben Salmane, cho biết Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước sản xuất dầu khác, còn gọi là OPEC+, có kế hoạch tiếp tục điều chỉnh sản lượng theo hướng cắt giảm tới 19,5 triệu thùng/ngày, thay vì gần 10 triệu thùng/ngày theo thoả thuận đạt được hôm 12/4.