Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo tăng hơn 3,1% lên 19.638,81 điểm, mức cao nhất một tháng qua. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải tăng 1,6% lên 2.827,28 điểm, còn chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong ghi thêm 0,6% lên 24.435,40 điểm sau bốn ngày nghỉ.
Thị trường Sydney cũng đóng phiên với mức tăng 1,9%, dù tỷ lệ thất nghiệp của Australia được dự đoán sẽ tăng gấp đôi lên 10% trong quý II/2020, và một khảo sát của Ngân hàng National Australia Bank cho thấy niềm tin kinh doanh đang ở mức thấp kỷ lục.
Trung Quốc nhìn chung đã có thể kiểm soát được dịch COVID-19, nhưng các biện pháp chống dịch mạnh mẽ cùng đã làm tê liệt phần lớn nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại và các lệnh hạn chế đi lại cũng dần được nới lỏng ở trung tâm công nghiệp Vũ Hán, số liệu thương mại được công bố ngày 14/3 đã khả quan hơn so với các dự đoán trước đó của thị trường.
Theo đó, trong tháng Ba, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 6,6% và nhập khẩu giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức giảm dự đoán giảm từ 10% trở lên trong cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg.
Nhưng chuyên gia Julian Evans-Pritchard của Capital Economics cảnh báo "điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước” đối với các công ty xuất khẩu của Trung Quốc, khi nhiều “cơn gió ngược” có thể sẽ xuất hiện trong những tháng tiếp theo do các đối tác thương mại lớn của nước này đều đang chống chọi với dịch COVID-19.
Giới đầu tư đang đón đợi số liệu GDP hàng quý của Trung Quốc, dự kiến được công bố vào ngày 17/4 tới. Giới quan sát dự đoán kinh tế nước này có thể đã giảm 6,2% trong quý I/2020.
Phiên này, tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-INDEX tăng 1,62 điểm, hay 0,21% lên 767,41 điểm, trong khi chỉ số HNX-INDEX lại giảm nhẹ 0,01 điểm, hay 0,01% xuống 107,15 điểm.