Tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tuy chỉ nhích 0,1%, lên 35.438,07 điểm, song vẫn đánh dấu chuỗi tăng 12 phiên liên tiếp. Chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 4.567,46 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq tiến 0,6% và khép phiên ở mức 14.144,56 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương đa phần cũng tăng điểm, trừ chứng khoán Pháp.
Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 0,2% lên 7.691,80 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 0,1% lên 16.211,59 điểm mặc dù một cuộc khảo sát quan trọng cho thấy niềm tin doanh nghiệp tại nước này đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp - minh chứng cho tâm lý bi quan về tình trạng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu ngày càng sâu sắc.
Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này tăng 0,2% và đóng cửa ở mức 4.391,30 điểm. Riêng chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) giảm 0,2% xuống 7.415,45 điểm.
Nhà phân tích thị trường Craig Erlam của sàn giao dịch OANDA đánh giá sự hứng khởi trên các sàn chứng khoán châu Á sau các cam kết hỗ trợ nền kinh tế của giới chức Trung Quốc không lan sang châu Âu và Mỹ. Diễn biến này có lẽ do thiếu thông tin chi tiết về các biện pháp kích thích hiện tại, cũng như sự phân tâm của nhà đầu tư đối với các cuộc họp của hai ngân hàng trung ương lớn trong 48 giờ tới.
Những tiến triển trong cuộc chiến chống lạm phát có thể đồng nghĩa cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lẫn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sắp công bố đợt tăng lãi suất cuối cùng của chu kỳ thắt chặt hiện thời. Ông Erlam nói rằng, câu hỏi lớn đặt ra là liệu các ngân hàng trung ương này có thừa nhận điều đó, hay họ sẽ duy trì quan điểm “diều hâu” trong phần còn lại của mùa Hè.
Theo dự kiến, Fed sẽ công bố quyết định lãi suất của mình vào thứ Tư (26/7 giờ địa phương). Thông báo chính sách của ECB sẽ được đưa ra một ngày sau đó.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 25/7, chỉ số VN-Index tăng 5,18 điểm (0,44%) lên 1.195,9 điểm. Toàn sàn có 207 mã tăng giá và 250 mã giảm. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,4 điểm (0.17%) lên mức 236.93 điểm.