Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 ở thị trường London (Anh) giảm 3,1% xuống 6.584,68 điểm, trở lại các mức ghi nhận vào cuối năm 2018, trong khi chỉ số DAX 30 tại Frankfurt (Đức) cũng sụt giảm 3,6% xuống 11.920,65 điểm. Ở thị trường Paris (Pháp), chỉ số CAC 40 mất 2,9% xuống 5.335,24 điểm. Chỉ số FTSE MIB ở Milan (Italy) mất 2,8% xuống 22.151,40 điểm, còn chỉ số EURO STOXX 50 cũng giảm 3,4% xuống 3.339,80 điểm.
Chung đà giảm trên, thị trường chứng khoán ở châu Á cũng đồng loạt lao dốc. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo (Nhật Bản) mất 3,7% giá trị, khép phiên ở mức 21,142,96 điểm; chỉ số Hang Seng ở Hong Kong (Trung Quốc) giảm 2,4% xuống 26.129,93 điểm. Trong khi đó, chỉ số Composite ở Thượng Hải (Trung Quốc) cũng sụt giảm tới 3,7% xuống 2.880,30 điểm.
Cùng với thị trường chứng khoán, giá dầu mỏ thế giới cũng trải qua một phiên giảm tới 4%, xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua do lo ngại nhu cầu toàn cầu giảm. Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc tại London giảm 2,8% xuống còn 50,71 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York cũng giảm 3,9% xuống còn 45,25 USD/thùng.
Thị trường dầu đang dõi theo quyết định về chính sách sản lượng, dự kiến sẽ được Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, đưa ra tại cuộc họp ngày 5-6/3 tới ở Vienna (Áo). Các nước sản xuất dầu trong và ngoài OPEC hiện đang cắt giảm nguồn cung khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày nhằm hỗ trợ giá dầu.