Theo sau đà giảm "đỏ lửa" 2 ngày liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu, phiên giao dịch ngày 26/2 tiếp tục chứng kiến các thị trường chủ chốt khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 26/2, tại sàn chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,8% về mức 22.426,19 điểm, tiếp nối đà giảm 3% của ngày hôm trước. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) và Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) lần lượt giảm 0,8% và 0,9%.
Các chỉ số chủ lực trên các sàn chứng khoán Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc), Singapore, Wellington (New Zealand) và Jakarta (Indonesia) cũng đồng loạt giảm hơn 1%, trong khi ở Manila (Philippines) "lao đốc" gần 4%.
Trước sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Nhật Bản trong thời gian gần đây, các quan chức cấp cao trong ngành tài chính - ngân hàng của Nhật Bản, gồm Bộ Tài chính, Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), đã nhóm họp khẩn cấp để thảo luận các biện pháp đối phó.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Yoshiki Takeuchi cho biết chính phủ Nhật Bản cần hợp tác với BoJ để soạn thảo các biện pháp cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 đang khiến nhiều người lo ngại về mức độ lây lan.
Trước đó, ngày 25/2, thị trường chứng khoán Tokyo đã lao dốc ngay sau khi mở cửa sau kỳ nghỉ dài 3 ngày. Chỉ số Nikkei đã mất tới 1.000 điểm vào thời điểm mở cửa. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/2, chỉ số Nikkei dừng lại ở mức 22.605 điểm, giảm 781 điểm (tương đương 3,3%) so với phiên trước đó. Đây là mức thấp nhất của chỉ số Nikkei kể từ tháng 10/2019.
Với nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 được ghi nhận tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các nhà đầu tư đều có tâm lý lo ngại về tác động của dịch bệnh đối với kinh tế toàn cầu. Tính tới chiều 26/2, số ca tử vong do COVID-19 đã lên tới trên 2.700 người, trong khi khoảng 80.000 bị lây nhiễm dù các trường hợp nhiễm mới ở Trung Quốc, hiện là tâm dịch, đang có xu hướng giảm.
Trưởng nhóm chuyên gia chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung Quốc, ông Bruce Aylward đã cảnh báo các nước trên thế giới cần phải sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh này ở quy mô lớn hơn và việc này phải được triển khai một cách nhanh chóng.