Phiên này, chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ đi lên, Những nhận định mới từ phía Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) về việc duy trì môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng đã khuyến khích hoạt động mua vào. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 2,06% (tương đương 743,36 điểm) và đóng cửa ở mức 36.863,28 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng đóng cửa cao hơn trong phiên thứ hai liên tiếp, giữa lúc thị trường càng hy vọng về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Chỉ số Kospi tại Seoul tăng 0,41% (10,74 điểm) và đóng cửa ở mức 2.620,32 điểm.
Các thị trường Sydney và Manila cũng tăng mặc dù Singapore, Mumbai, Bangkok và Wellington đều giảm.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chủ chốt có sự phân hóa. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm tới 1,27% (203,82 điểm) xuống 15.878,07 điểm. Sự sụt giảm này diễn ra sau khi cổ phiếu “nặng ký” Alibaba giảm hơn 6% xuống 70,30 HKD (8,98 USD) mỗi cổ phiếu, do báo cáo thu nhập tệ hơn dự kiến làm lu mờ hoạt động mua lại cổ phiếu của “gã khổng lồ” này.
Ngược lại, chứng khoán đại lục tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp khi các nhà giao dịch hoan nghênh việc Trung Quốc thay thế người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán của nước này sau những biến động gần đây của thị trường.
Chỉ số Shanghai Composite tăng 1,28% (36,21 điểm) lên 2.865,90 điểm vào ngày giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần.
Chính phủ Trung Quốc gần đây cũng đưa ra nhiều cam kết nhằm ngăn chặn đà giảm kéo dài của thị trường trong nước. Tuy nhiên, các nhà quan sát cảnh báo những động thái này khó giải quyết được các vấn đề kinh tế sâu sắc hơn của đất nước - đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
Ngoài ra, số liệu mới nhất cho thấy giá tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 1/2024 và với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 2009. Điều này cho thấy những khó khăn mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt trong việc cải thiện tình hình kinh tế quốc gia.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đóng cửa nghỉ lễ từ ngày 8/2.