Kỳ vọng Fed hạ lãi suất lùi xa kéo lùi chứng khoán châu Á

Các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn giảm trong phiên sáng 5/2 sau báo cáo việc làm vượt dự báo của Mỹ và bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã xua tan hy vọng còn lại về một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024.

Chú thích ảnh
Bảng điện tử niêm yết chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,6% lên 36.358,21 điểm do đồng bạc xanh tăng so với đồng yen giúp thúc đẩy các nhà xuất khẩu.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,3% xuống 15.480,27 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 2,1% xuống 2.672,98 điểm do đợt bán tháo kéo dài vì lo ngại ngày càng tăng về nền kinh tế Trung Quốc.

Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore và Wellington cũng giảm.

Tuần trước, các nhà hoạch định chính sách đã khiến thị trường thất vọng khi thông báo sau cuộc họp mới nhất rằng sẽ không có khả năng nới lỏng chính sách tại cuộc họp tiếp theo.

Vẫn còn một số đồn đoán về việc thay đổi quan điểm nếu báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ thấp hơn kỳ vọng, song chúng đã sớm bị dập tắt. Các số liệu cho thấy thị trường lao động và nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn mạnh mẽ bất chấp lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 20 năm. Điều này khiến Fed khó có cơ hội để cắt giảm lãi suất ngay cả khi lạm phát giảm.

Tiếp theo là cuộc phỏng vấn của Chủ tịch Powell, được phát sóng ngày 4/2, trong đó ông nói rằng điều cần làm là dành chút thời gian và xem dữ liệu để xác nhận rằng lạm phát đang giảm xuống 2% một cách bền vững.

Theo Bloomberg News, khả năng lãi suất giảm trong tháng 3/2024 đã giảm xuống còn 20% sau khi thông tin trên được đưa ra, giảm từ mức khoảng 40% ghi nhận hôm 3/2. Trong khi đó, tỷ lệ này hồi đầu năm là khoảng 80%.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, các nhà đầu tư dường như “phớt lờ” trước những cam kết ngăn chặn sự biến động mạnh của chứng khoán của các quan chức, trong đó Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cam kết sẽ hướng nhiều quỹ trung và dài hạn hơn vào thị trường. Họ đưa ra một số kế hoạch cụ thể và các nhà quan sát cho rằng động thái này khó có thể giúp thay đổi tình hình.

Chuyên gia Shen Meng thuộc ngân hàng đầu tư Chanson & Co, cho biết tuyên bố trên nhằm trấn an tinh thần nhà đầu tư, nhưng không đề cập đến các vấn đề cơ bản như việc thiếu niềm tin và bất ổn kinh tế lớn. Những vấn đề đó là nguyên nhân dẫn đến thị trường biến động bất thường.

Tại Việt Nam cuối phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 5,46 điểm (0,47%) lên 1.178,01 điểm, chỉ số HNX-Index giảm 0,25 điểm (0,11%) xuống 230,31 điểm.

Minh Hằng (TTXVN)
Chứng khoán Trung Quốc rơi xuống đáy 5 năm
Chứng khoán Trung Quốc rơi xuống đáy 5 năm

Ngày 31/1, Chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc giảm 0,91%, xuống 3.215.35 điểm, là mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tính chung cả tháng 1, Chỉ số blue-chip của Trung Quốc giảm khoảng 6%, xác lập chuỗi giảm kỷ lục trong sáu tháng liên tiếp. Những diễn biến này xảy ra sau khi Cục Thống kê Quốc gia công bố số liệu cho thấy Chỉ số PMI tháng 1/2024 của ngành sản xuất nước này vẫn ở dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng thứ 4 liên tiếp, chứng tỏ ngành sản xuất Trung Quốc vẫn trong tình trạng thu hẹp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN