Chứng khoán trượt dốc, thêm nỗi lo về kinh tế Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua một năm 2023 đầy khó khăn và tình trạng này đã trở nên tồi tệ thêm trong vài tuần đầu tiên của Năm mới.

Chú thích ảnh
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua một năm 2023 đầy khó khăn. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) đã giảm 2,3% vào ngày 22/1, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022. Chỉ số này đã mất hơn 12% từ đầu tháng Một đến nay, gần bằng mức giảm trong cả năm 2023. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 2,7%, mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ tháng 4/2022. Trong khi đó, chỉ số Shenzhen Component tại Thâm Quyến, chỉ số chuyên về công nghệ, đã có ngày giao dịch tồi tệ nhất trong gần hai năm qua vào phiên 22/1, giảm 3,5%.

Đây là diễn biến khởi đầu một năm tồi tệ nhất đối với chứng khoán Trung Quốc kể từ năm 2016, khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu sau sự sụp đổ của thị trường vào năm 2015. Bong bóng bị vỡ khi nền kinh tế có dấu hiệu căng thẳng và giá cổ phiếu vượt xa lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong những tháng gần đây, cuộc khủng hoảng bất động sản, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong nhiều thập kỷ (không tính thời kỳ đại dịch) và việc chấn chỉnh một số doanh nghiệp đã làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường cổ phiếu Trung Quốc.

Ông Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á của Ngân hàng Mizuho, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục “giảm mức độ rủi ro” đối với Trung Quốc và giảm kỳ vọng đối với điều kiện kinh doanh ở nước này. Ông viết trong một ghi chú rằng Trung Quốc vẫn chưa đưa ra các biện pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng bất ổn của thị trường bất động sản và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.

Các nhà đầu tư cũng lo ngại sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay chủ chốt. Việc cắt giảm lãi suất sẽ làm giảm chi phí đi vay đối với người dân và doanh nghiệp vay hoặc trả lãi, từ đó giúp kích thích hoạt động kinh tế.

Những tổn thất nặng nề trên thị trường vào năm 2024 càng trở thành vấn đề "nóng" hơn sau đợt giảm mạnh vào năm ngoái, khi chỉ số CSI 300, bao gồm 300 cổ phiếu lớn niêm yết trên thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến, giảm hơn 11%.

Ngược lại, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng 24% trong cả năm 2023, còn chỉ số STOXX 600 của châu Âu tăng gần 13%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng 28% trong năm ngoái và vẫn đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức tăng gần 10% tính từ đầu năm.

Dữ liệu nhân khẩu học được công bố vào tuần trước xác nhận rằng dân số Trung Quốc ngày càng già đi và ít hơn càng làm nhà đầu tư thêm lo âu.

Nền kinh tế nước này tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, cao hơn các dự đoán của Chính phủ nhưng vẫn là một trong những thành quả kinh tế tồi tệ nhất của Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ chậm lại ở mức 4,2% trong năm nay.

Minh Trang/TTXVN (Theo CNN)
Cơ hội để thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng thành thị trường mới nổi
Cơ hội để thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng thành thị trường mới nổi

Nhiều công ty chứng khoán nhận định, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh hơn 2023, là cơ hội để Việt Nam nâng hạng thành thị trường mới nổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN