Thông tin vĩ mô trong nước hỗ trợ tích cực thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch biến động giằng co giữa bên mua và bên bán trong bối cảnh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang đến gần. Theo đó, một bộ phận nhà đầu tư đã có tâm lý “nghỉ Tết sớm” và bán ra để thu tiền về.

Tuy vậy, chiều ngược lại vẫn có nhiều nhà đầu tư tranh thủ cơ hội mua vào cổ phiếu nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sau Tết. Điều này giúp cho giao dịch trên thị trường diễn ra khá nhộn nhịp, mặc dù kỳ nghỉ dài ngày đã tới gần. Giới phân tích cho rằng, thị trường đã và đang được hỗ trợ bởi những thông tin vĩ mô tích cực trong nước. 

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Chứng khoán Bảo Việt, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Giải tỏa áp lực tâm lý

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), ngay trước thềm Tết Nguyên đán, VN-Index đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng. Một loạt số liệu vĩ mô tháng 1 được công bố khả quan; trong đó, CPI hạ nhiệt với mức tăng 3,37% so với cùng kỳ năm ngoái; chỉ số IIP và xuất nhập khẩu đều cải thiện tích cực. Đặc biệt, vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam với số vốn đăng ký tăng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái và vốn thực hiện tăng 9,6%. Qua đó thúc đẩy đà tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp ngay trong phiên đầu tuần.

Tuy vậy, đà tăng của thị trường chậm lại về cuối phiên khiến cho chỉ số VN-Index đóng cửa sát mốc tham chiếu trong phiên ngày thứ Hai. Bước sang phiên ngày thứ Ba, VN-Index đi ngang trong phần lớn thời gian giao dịch trước khi đóng cửa tăng nhẹ 4 điểm. Phiên này, dòng tiền dịch chuyển vào ngành điện sau thông tin Thủ tướng tiến hành thị sát và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch đến Phố Nối.

VN-Index mở cửa phiên thứ Tư mở gap tăng nhẹ trước khi quay đầu giảm mạnh 15 điểm, lực bán gia tăng về cuối phiên khi nhà đầu tư có động thái chốt lời cổ phiếu ngành ngân hàng. Đặc biệt, thanh khoản thị trường tăng rất mạnh khi giá trị khớp lệnh trên HOSE tăng hơn 73% so với phiên trước đó, lên 21.281 tỷ đồng. Trái ngược với tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư cá nhân, khối ngoại mua ròng 121,42 tỷ đồng trên HOSE trong phiên này.

Thị trường mở cửa phiên thứ Năm đón nhận thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên mức lãi suất điều hành cho kỳ họp tháng 1 ở vùng mục tiêu 5,25 - 5,5%, đồng thời nhận định khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 3 là không cao. Dù vậy, VN-Index vẫn phục hồi sau thông tin PMI của Việt Nam vượt mốc 50 điểm lần đầu tiên sau 5 tháng và tỷ giá trong nước hạ nhiệt.

Đà tăng của thị trường đã không được duy trì khi VN-Index tại phiên cơ cấu ETF (quỹ hoán đổi danh mục) ngày thứ Sáu giảm nhẹ 0,04%.

Trước tâm lý chốt lời ngắn hạn trước dịp Tết Nguyên đán, VN-Index kết thúc tuần giao dịch (từ 29/1 - 2/2) tại mốc 1,172,6 điểm, giảm 0,3% so với tuần trước; trong khi chỉ số HNX-Index tăng 0,5% lên 230,6 điểm và UPCOM-Index tăng 0,8% để đóng cửa tại 88,4 điểm.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT, thị trường được hỗ trợ bởi những thông tin vĩ mô trong nước tích cực thời gian qua như chỉ số PMI lần đầu vượt mốc 50 điểm sau 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP và xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực trong tháng 1/2024. Lạm phát và lãi suất trong nước duy trì xu hướng giảm. Đồng thời, đà tăng gần đây của tỷ giá đã có dấu hiệu kết thúc giúp giải tỏa áp lực tâm lý đối với một bộ phận nhà đầu tư.

“Tôi tin rằng dòng tiền của nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán một cách mạnh mẽ sau kỳ nghỉ Tết và thúc đẩy các chỉ số chứng khoán đi lên”, ông Hinh chia sẻ quan điểm.

Theo Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), lực bán chốt lời gia tăng mạnh dần trong tuần giao dịch từ 29/1-2/2. Thanh khoản có sự gia tăng đến từ lực bán chốt lời của nhà đầu tư cá nhân. Nhiều nhà đầu tư có tâm lý bán để nghỉ Tết vì nghi ngại nhiều diễn biến khó lường trong quãng thời gian thị trường nghỉ Tết.

Thanh khoản bình quân tuần quan trên sàn HoSE đạt 744 triệu cổ phiếu, tăng 18,69% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch bình quân trên HoSE đạt 17,291 tỷ đồng, tăng 17,75% so với tuần trước đó.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 11 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng nhẹ 1 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 1.328 tỷ đồng trên sàn UPCoM.

Cổ phiếu xây dựng AIC của sàn UPCoM bất ngờ được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 1.147 tỷ đồng. Theo sau, hai cổ phiếu PNJ và SSI tiếp tục được mua ròng với lần lượt 295 tỷ đồng và 257 tỷ đồng. Khối ngoại cũng mua ròng mạnh cổ phiếu HPG và PDR với 192 tỷ đồng và 176 tỷ đồng.

CSI cho rằng, nhiều nhà đầu tư có lẽ không quá buồn với tuần giảm điểm nhẹ của thị trường vì ngoài nhóm vốn hóa lớn ảnh hưởng đến điểm số thị trường như cổ phiếu ngân hàng giảm 2,15%, bất động sản giảm 1,1%, thép giảm 1,83% thì có tới 16/21 nhóm ngành vẫn duy trì sắc xanh; trong đó, có đến 8 nhóm ngành mức tăng trên 2%, tiêu biểu như bất động sản khu công nghiệp tăng 9,5%, bán lẻ tăng 5,3%, công nghệ viễn thông tăng 5,12%...

CSI vẫn duy trì sự kỳ vọng VN-Index sẽ tiến tới mốc kháng cự 1.200 – 1.210 điểm. Công ty chứng khoán này cho rằng, tuần tới (từ 5 - 7/2), nhà đầu tư nên kiên trì nắm giữ cổ phiếu để căn bán chốt lời ở mốc kháng cự trên.

Có góc nhìn thận trọng hơn, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, tình hình vĩ mô trong nước mặc dù ổn định với thống kê tăng trưởng GDP các quý đang tăng dần, nhưng tốc độ tăng trưởng không đạt kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng yếu cho thấy nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn thấp, những khó khăn đối với thị trường bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ.

Tình hình kinh tế toàn cầu hiện cũng đang khó lường khi vẫn bất ổn và tăng trưởng thấp đặc biệt là khu vực EU có nhiều nền kinh tế bước vào suy thoái như Đức, Hà Lan...

Điểm tích cực là tình hình lạm phát đã bình ổn và Fed đã phát tín hiệu dừng tăng lãi suất, đồng thời để ngỏ khả năng khởi động chu kỳ giảm lãi trong năm 2024. Với tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, việc thị trường hướng tới vận động tìm điểm cân bằng lại để tích lũy là phù hợp, SHS nhận định.

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến sôi động trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới tăng trưởng nhiều tuần liên tiếp.

Chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần thứ tư tăng điểm liên tiếp

Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch 2/2 và đánh dấu chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp nhờ các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp khả quan và số liệu việc làm tăng mạnh.

Khép lại phiên này, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,07% lên 4.958,61 điểm, mức khép phiên cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 1,74% lên 15.628,95 điểm, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,35% lên 38.654,42 điểm.

Sự khởi sắc này đã kết thúc một tuần giao dịch với ba chỉ số nói trên đảo chiều liên tục, trước tác động giằng co từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, quyết định lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ và những lo ngại về sự suy yếu của các ngân hàng khu vực ở Mỹ. Tuy nhiên, cả ba chỉ số đều ghi nhận tuần thứ tư tăng điểm liên tiếp.

Ông Jay Hatfield, chuyên gia quản lý đầu tư của Công ty tư vấn đầu tư InfraCap ở New York, nhận định phần lớn các công ty đều công bố kết quả kinh doanh khả quan trong tuần qua. Bên cạnh đó, chuyên gia này tin rằng cuộc họp vừa qua của Fed cũng phần nào đem đến tín hiệu tích cực, với dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng Năm hoặc tháng Sáu.
Theo CME Group, hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 5/2024.

Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường tài chính đang dự đoán xác suất Fed hạ lãi suất tại cuộc họp tháng Ba là 20,5%, giảm từ mức 69,6% một tháng trước.

Ông Greg Bassuk, Giám đốc điều hành công ty đầu tư AXS Investments ở New York, cho biết trong vài ngày tới, giới đầu tư sẽ tập trung vào các báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp và các số liệu kinh tế để dự đoán mức độ và thời điểm Fed hạ lãi suất.

Mùa báo cáo lợi nhuận quý IV/2023 đang diễn ra, với 230 trong số các công ty có tên trong chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo. Trong số này, 80% có kết quả cao hơn dự đoán của Phố Wall, theo LSEG.

Văn Giáp (TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Tài chính nói về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán
Thứ trưởng Bộ Tài chính nói về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán

Để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán sớm nhất vào năm 2025, trong năm nay, Bộ Tài chính sẽ cùng các Bộ ngành liên quan tích cực triển khai 4 nhiệm vụ chủ chốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN