Chứng khoán châu Âu đã đóng phiên trong vùng đỏ cùng với chứng khoán phố Wall khi thị trường này quay trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ từ ngày 3/7.
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4% xuống 34.288,64 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,2% xuống 4.446,82 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,2% xuống 13.791,65 điểm.
Còn tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của thị trường London giảm 1% xuống 7.442,10 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,8% xuống 7.310,81 điểm. Còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,6% xuống 15.937,58 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,9% xuống 4.350,71 điểm.
Hoạt động kinh tế của Eurozone đã giảm xuống 49,9 điểm trong tháng 6/2023. Dưới mốc 50 điểm đồng nghĩa với sụt giảm.
Tại Trung Quốc, khảo sát tư nhân của Caixin cho thấy hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đã giảm nhanh hơn trong tháng 6/2023 và giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Số liệu này được đưa ra sau số liệu chính thức cũng chỉ ra sự yếu kém trong lĩnh vực này, cùng với một loạt dữ liệu yếu kém về hoạt động thương mại và tiêu dùng.
Ngoài cam kết hành động và một số cắt giảm lãi suất ở mức "nhẹ nhàng", Trung Quốc đã làm rất ít để giải quyết vấn đề này khi nền kinh tế giảm sút mặc dù các hạn chế do COVID-19 đã kết thúc vào cuối năm 2022.
Susannah Streeter, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường tại công ty phân tích tài chính Hargreaves Lansdown cho biết có những lo ngại mới về nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm khi dữ liệu từ lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc nêu bật sự phục hồi ảm đạm sau đại dịch, cũng như bất đồng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng.
Ngoài ra, biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu khả năng có nhiều đợt tăng lãi suất hơn trong thời gian tới.
Mặc dù Fed đã bỏ phiếu trong tháng trước để tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp, song biên bản cuộc họp của ngân hàng trung ương cho thấy các nhà hoạch định chính sách tin rằng hai lần tăng lãi suất có thể sẽ cần thiết vào năm 2023 để giảm lạm phát trở lại.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 5/7, VN-Index tăng 2,62 điểm lên 1.134,62 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 807 triệu đơn vị, tương ứng gần 17.201 tỷ đồng. Toàn sàn có 218 mã tăng giá, 183 mã giảm giá và 78 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,92 điểm xuống 227,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 99,6 triệu đơn vị, tương ứng trên 1.552,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 96 mã tăng giá, 88 mã giảm giá và 68 mã đứng giá.