Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 17 xu Mỹ xuống 85,16 USD/thùng vào lúc 13 giờ 35 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 22 xu Mỹ xuống 81,35 USD/thùng.
Xung đột leo thang tại Trung Đông khiến nguồn cung dầu thô từ các nhà sản xuất chủ chốt có thể bị gián đoạn.
Chuyên gia Yeap Jun Rong tại IG ở Singapore cho biết, giá dầu đã phục hồi khá mạnh trong 2 tuần qua, trong bối cảnh tiềm ẩn rủi ro gián đoạn nguồn cung nếu xảy ra xung đột lan rộng khi căng thẳng địa chính trị Israel và Hezbollah leo thang.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho rằng rủi ro lan rộng trên các thị trường toàn cầu đã hỗ trợ giá dầu thô. Thị trường cũng quan tâm đến chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bởi nếu cơ quan này cắt giảm lãi suất có thể làm giảm chi phí đi vay, thúc đẩy hoạt động kinh tế và nâng cao mức tiêu thụ dầu.
Giá dầu đã bị hạn chế khi Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 2,264 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/6. Trong khi đó, các nhà phân tích do hãng tin Reuters thăm dò đã dự kiến dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ giảm 2,2 triệu thùng. Số liệu dự trữ chính thức của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ được công bố vào lúc 15 giờ 00 giờ GMT (22 giờ 00 giờ Việt Nam).
Giá vàng tăng nhẹ
Giá vàng tăng nhẹ trong phiên giao dịch chiều 19/6 sau khi dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ yếu đã thúc đẩy kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 2.328,67 USD/ounce vào lúc 13 giờ 31 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,2% xuống 2.333 USD/ounce.
Số liệu vừa công bố cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ hầu như không tăng trong tháng 5/2024, cho thấy hoạt động kinh tế vẫn ảm đạm trong quý II/2024.
Chuyên gia chiến lược thị trường Yeap Jun Rong của IG cho biết, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ qua đêm giảm, đồng USD yếu sau báo cáo doanh số bán lẻ đáng thất vọng của Mỹ dường như tạo thuận lợi cho kim loại quý này.
Thị trường đang tập trung theo dõi các số liệu kinh tế Mỹ như số liệu thất nghiệp hàng tuần công bố vào thứ Năm (20/6) và chỉ số nhà quản trị mua hàng công bố vào thứ Sáu (21/6).
Giá vàng đã vững sau khi đạt mức cao kỷ lục là 2.449,89 USD/ounce vào ngày 20/5.
Ngày 7/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã tạm dừng mua vàng để dự trữ vào tháng 5/2024 sau 18 tháng mua, khiến giá vàng giảm mạnh nhất trên cơ sở hàng ngày kể từ tháng 11/2020. Nhà phân tích thị trường hàng đầu Tim Waterer tại KCM Trade cho biết, việc PBoC đã tạm dừng mua vàng vào tháng 5/2024 và bất kỳ sự tiếp diễn nào của xu hướng này đều gây rủi ro cho đà tăng giá vàng.
Tại Việt Nam, lúc 15 giờ 47 phút chiều 19/6, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều
Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch chiều 19/6.
Kết thúc phiên này chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,2% lên 38.570,76 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 2,9% lên 18.430,39 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,4% xuống 3.018,05 điểm.
Thị trường Singapore, Seoul, Mumbai, Jakarta và Đài Bắc (Trung Quốc) cũng tăng điểm nhưng Sydney, Manila, Bangkok và Wellington đi xuống.
Số liệu bán lẻ của Mỹ trong tháng 5/2024 thấp hơn mức dự kiến cho thấy nền kinh tế số một thế giới đang tăng trưởng chậm lại và tạo điều kiện cho Fed nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán thế giới.
Các nhà đầu tư hy vọng những biện pháp thân thiện với thị trường sẽ được công bố tại một diễn đàn ở Trung Quốc có sự tham dự của Giám đốc cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc Wu Qing và Thống đốc ngân hàng trung ương Pan Gongsheng.
Tại Việt Nam, chốt phiên 19/6 chỉ số VN-Index tăng 0,29 điểm (0,02%) lên 1.279,79 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index giảm 0,86 điểm (0,35%) xuống 243,57 điểm.