Cụ thể, vào lúc 14 giờ 12 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 96 xu Mỹ (1,2%) lên 83,01 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York tăng 80 xu Mỹ (1%) lên 81,68 USD/thùng.
Tony Nunan, quản lý cấp cao tại tập đoàn thương mại Mitsubishi Corp có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản), nhận định với mức giá dầu hiện nay, nguồn cung dầu sẽ tăng nhưng có thể mất sáu tháng trong khi lượng hàng tồn kho đang giảm xuống mức thấp. Theo nhà quản lý này, nếu thời tiết vào mùa Đông quá khắc nghiệt và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn chưa vội tăng mạnh sản lượng, giá “vàng đen” sẽ nhận được lực đẩy.
Tuy nhiên, nỗi lo nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ sụt giảm do đại dịch COVID-19 vẫn đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư. Châu Âu một lần nữa trở thành tâm chấn của đại dịch COVID-19, khiến một số chính phủ xem xét áp dụng lại các biện pháp đóng cửa. Thống kê cho thấy số ca mắc COVID-19 mới tại châu Âu trong 7 ngày qua đã tăng 13% (1,93 triệu ca).
Theo đánh giá của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu, trong số 27 nước thành viên EU thì Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, CH Czech, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách "rất đáng lo ngại". Các quốc gia khác được xếp vào loại “đáng lo ngại” là Đức, Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Ireland, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Romania và Slovakia. Phần lớn các quốc gia nhằm trong nhóm đáng báo động nằm ở Trung, Đông và Bắc Âu, trong khi các nước Tây Âu và ven Địa Trung Hải dường như chịu ảnh hưởng nhẹ hơn.
Tuần trước, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý IV/2021 với mức giảm 330.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước, do giá năng lượng cao cản trở đà phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.